Đó là một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong mục tiêu này, đề án nêu rõ, tỷ trọng của sản phẩm rau quả qua chế biến đạt 30% trở lên. Công suất chế biến đạt 2 triệu tấn một năm, gấp đôi so với năm 2020. Tổn thất thu hoạch rau quả giảm bình quân trên 1% một năm. 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ, có công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, Chính phủ cũng cho biết, sẽ thu hút, đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến sản phẩm có quy mô lớn và vừa; Xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Đề án nêu rõ, tỷ trọng của sản phẩm rau quả qua chế biến đạt 30% trở lên. Công suất chế biến đạt 2 triệu tấn một năm, gấp đôi so với năm 2020. Ảnh: CT
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ của Đề án là đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả. Theo đó, trong 5 năm đầu tiên sẽ thu hút đầu tư cho 20-25 cơ sở, trong 5 năm tiếp theo, dựa vào tình hình thị trường và khả năng sản xuất nguyên liệu, sẽ phát triển số cơ sở còn lại.
Các dư án đầu tư sẽ phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ rau quả.
Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô và trang thiết bị phù hợp với sản lượng và đặc tính cho các loại rau quả chủ lực nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch.
Các doanh nghiệp có thể được khuyến khích đầu tư vào chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao; doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tham gia vào chế biến, bảo quản rau quả được thúc đẩy…
Xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả đảm bảo nguyên liệu được cung cấp (khoảng 5-6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng và an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đảm bảo tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ.
Năm 2020, ngành hàng rau quả của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn sụt giảm mạnh so với các năm trước, đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, đặc biệt là EVFTA đã được thực thi từ tháng 8/2020. Việc khai trương Cổng thông tin về FTA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất những lợi ích từ các FTA Việt Nam đang tham gia.
Theo Bộ Công thương thì để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.