Mục Hỏi – Đáp sức khỏe

(NTD) - Con tôi 3 tuổi, bé hay bị táo bón, mỗi khi bé không đi được thì kêu khóc chạy khắp nhà trông rất tội nghiệp. Xin hỏi bác sĩ cách phòng tránh táo bón và cách xử trí ngay trong trường hợp này.

BSCK2 Hoàng Ngọc Quý, Bệnh viện Nhi Đồng 2

Trong trường hợp “kêu khóc chạy khắp nhà trông rất tội nghiệp” thì ba mẹ bé cần phải xử lý ngay và luôn thôi, bằng cách bơm hậu môn cho bé nhé. Có thể bơm Rectiofar loại 3ml/ống, mỗi lần 1-2 ống, tùy mức độ bón của bé.

Lưu ý khi bơm: Cho bé nằm sấp, khi ống bơm vừa đụng vào bên ngoài hậu môn, sẽ gây phản xạ co thắt cơ vòng hậu môn, lúc đó ba mẹ bé đừng cố đẩy ống bơm vào vì sẽ gây đau. Đợi 2-3 giây, hậu môn nở ra, lúc đó nhẹ nhàng đút ống vào, bóp hết nước trong ống và nhẹ nhàng rút ra. Tay kia bóp chặt hậu môn để thuốc không chảy ngược ra. Đợi vài phút khi bé thật mắc đi tiêu thì buông tay bóp hậu môn ra, vào nhà vệ sinh…

Khi nào bé đi tiêu ra hết phân cứng vón cục như cứt dê hoặc phân to khô và phân cuối cùng sẽ là phân nhày, lúc đó mới thật sự bé đã đi tiêu hết phân bón…

 

Để phòng ngừa cho bé 3 tuổi không bị táo bón:

Cho bé tập đi tiêu mỗi ngày vào một giờ nhất định, tạo thành thói quen đi tiêu. Mẹ hỗ trợ xoa bụng khi đi tiêu, xi đi tiêu... Nếu sau 5-10 phút mà bé rặn đi tiêu không được thì có thể hỗ trợ bơm hậu môn cho bé.

Lưu ý: Bơm hậu môn hoàn toàn không gây hại sức khỏe, chỉ giúp kích thích rặn đi tiêu và bôi trơn phân bón để dễ tống thải ra ngoài…

- Cho trẻ vận động, tránh ngồi xem tivi, chơi điện thoại nhiều… làm trẻ thụ động, dễ béo phì và táo bón.

- Uống đủ nước

- Cho bé ăn canh, súp có rau, chất xơ... Tránh chỉ uống nước canh mà chừa lại rau.

- Ăn các trái cây có vị chua, uống nước cam phải có cả tép cam, tránh cho nhiều đường sẽ gây bón…

- Nếu vẫn còn bón, có thể uống Duphalac hỗ trợ ngày từ nửa gói đến 1 gói.

- Sau cùng nếu không hết thì đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi tiêu hóa …

Chúc bé khỏe và hết bón

 Luyến Thương

 

 
Nên đọc