Về tình trạng độc quyền in ấn sách giáo khoa, nhưng mỗi năm vẫn lỗ 40 tỷ đồng, ông Độ lý giải, Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa X giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn bộ tài liệu SGK mới. Theo đó Bộ GD&ĐT đã quyết định thành lập nhóm biên soạn SGK, tổ chức biên soạn và cần Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định. Sau đó, NXB sẽ tổ chức biên tập, chỉnh sửa, in ấn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ- Mức chiết khấu 20% khi in sách giáo khoa là không cao. |
Trong quá trình tổ chức, NXB đều đã tổ chức đấu thầu in ấn. NXB đã chia ra làm 4 khu vực để tổ chức in ấn, xuất bản và cung cấp sách cho địa phương để giảm chi phí luân chuyển sách. Vì vậy, vừa qua Bộ TT&TT đã có quyết định, thông báo chính thức giao quyền cho 5 NXB tổ chức in ấn SGK. Sắp tới việc xoá độc quyền sẽ được thực hiện khi đã có 5 NXB thực hiện in ấn SGK. Theo đó, cũng huy động nhiều nguồn lực xã hội hoá để tổ chức biên soạn SGK.
"Về mức chiết khấu, theo báo cáo của NXB, ban đầu thì có thể là 20-25%, nhưng chính thức là 18-20%, trong đó chiết khấu chính là vận chuyển, phát hành sách từ nhà in thông qua các Công ty Sách và Thiết bị trường học ở các địa phương… Mức chiết khấu này không cao so với sách tham khảo, sách hướng dẫn là 30-35%"- ông Độ lý giải thêm.
Trước đó, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục và thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội có báo cáo chỉ ra rằng tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK) nhiều năm nay đã gây ra rất nhiều hệ luỵ và việc viết trực tiếp vào SGK sẽ gây lãng phí. Trong khi Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục nói rằng mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng nhưng giữ mức chiết khấu 25%.
Đức Nguyễn