Người dân bị làm khó?
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào sáng 3/3, khi PV Báo Người Tiêu Dùng hỏi, nhiều người đưa con em tới khám đều cho rằng quy định này chỉ gây thêm phiền phức. Chị Nguyễn Thu Hồng (39 tuổi, Bình Chánh) thẳng thắn: “Quy định này tôi thấy không cần thiết, khi trên thẻ BHYT của con đã ghi tên mẹ, địa chỉ rồi”. Cũng theo chị Hồng, việc khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi là việc làm thường xuyên do các em hay đau ốm. Khi đưa trẻ đi khám chữa bệnh không phải lúc nào bố hoặc mẹ, người giám hộ cũng mang theo giấy tờ tùy thân, trong trường hợp không mang theo, thì bố hoặc mẹ, người giám hộ tự đọc số CMND hoặc số căn cước công dân có thể không chính xác, ảnh hưởng đến việc tra cứu nhân thân của người bệnh. Nếu không có CMND hoặc căn cước công dân thì bác sĩ liệu có dám từ chối việc khám và kê toa thuốc cho bệnh nhân hay không?
Mẫu đơn thuốc mới |
Chị Nguyễn Thương (37 tuổi, Đức Hòa, Long An) cho rằng, quy định này không chỉ làm mất thời gian của bác sĩ mà còn gây phiền hà cho người dân. “Cha mẹ đi làm mang theo CMND, ông bà đưa cháu đi khám thì mang thứ gì bây giờ. Đâu phải đứa nhỏ lúc nào cũng ở gần cha mẹ? Hay chẳng lẽ thấy một ông bố ôm đứa con đang sốt đến mua thuốc mà quên hoặc mất CMND thì nhân viên không bán thuốc?”- chị Hiền đặt câu hỏi.
Đó cũng là băn khoăn của chị Lê Thị Ngọc (Bình Phước) cùng nhiều phụ huynh đang chăm sóc con tại BV Nhi đồng 1. Chị An phân trần: “Là người ngoại tỉnh đến TP khám bệnh cho con nên cha mẹ chỉ kịp lấy thẻ BHYT, sổ khám bệnh, tiền và ít hành lý mang theo chứ không nhớ đến giấy tờ tùy thân của mình. Rồi lúc làm thủ tục phải cung cấp đủ thứ thông tin mới được khám thì tội các cháu quá, nên tôi thấy thêm thủ tục là thêm rắc rối, phiền hà, không cần thiết khi phải cung cấp CMND của cha mẹ vì trên thẻ BHYT của con đã ghi tên mẹ, địa chỉ cụ thể”.
Bác sĩ băn khoăn
Về phía các cơ sở y tế, theo ThS.BS Lê Bích Liên - Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, thông tin trên toa thuốc của BV từ trước tới nay đã có tên, tuổi, cân nặng, chẩn đoán của bác sĩ; ngoài ra còn có địa chỉ và điện thoại liên lạc để thuận lợi trong việc phối hợp điều trị. Vì vậy việc ghi thêm số CMND của cha, mẹ... trên toa thuốc có thể với mục đích nhằm đảm bảo tính an toàn trong quá trình thực hiện liệu trình điều trị; thực hiện giám sát việc cho bé uống thuốc, nếu có vấn đề gì xảy ra thì có thể nắm được thông tin cụ thể việc người nào đưa bé đi khám, người nào cho trẻ uống thuốc… Tuy nhiên, cái lợi ít hơn sự phiền hà mà người dân phải gánh; đồng thời cũng “thêm việc” cho những người nhập dữ liệu.
Các bác sĩ (BS) nhi khoa băn khoăn, quy định ghi số CMND/thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ không mang đến lợi ích gì mà lại gây khó cho gia đình, nhất là trường hợp gia đình vội đi chữa bệnh cho con không mang theo CMND/thẻ căn cước, hoặc người đưa trẻ đi khám bệnh không phải là cha mẹ, người giám hộ của trẻ.
Còn một số BS làm việc tại đây cho rằng, trong hồ sơ điều trị nội trú của trẻ cần ghi số CMND, thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ vì lo ngại có gia đình cung cấp số CMND không chính xác và sau đó không thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Còn kê đơn thuốc ngoại trú thì gia đình bệnh nhân sẽ chi trả tiền mua thuốc tại hiệu thuốc, trẻ dưới 6 tuổi thì quy định hiện hành là 100% trẻ đều được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nên cần xem xét tính khả thi của quy định này.
"Rất khó để thực hiện vì nhiều cha mẹ, người giám hộ không có CMND/thẻ căn cước, nhiều người khi đưa con đi khám bệnh cũng quên đem theo và vì thế không thể thực hiện được yêu cầu như trong đơn thuốc mẫu, nhưng nếu cứ yêu cầu gia đình cung cấp thì lại gây phiền hà cho thân nhân bệnh nhi" - một BS cho hay.
Mua thuốc ngoại trú |
Một BS của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng quy định này là vi phạm quyền của trẻ em được nêu trong luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bởi, quyền trẻ em dưới 72 tháng tuổi là được khám, chữa bệnh miễn phí thì chỉ cần có thẻ BHYT. Đồng quan điểm, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cũng cho rằng quy định này không cần thiết. “Nhà nước miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, do vậy khi trẻ đi khám bệnh thì chỉ cần giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh hay thẻ BHYT là đủ” - BS Khanh nói.
Trước những thông tin trái chiều về quy định này, ThS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết quy định này cần được hiểu rõ là: Ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo CMND để khi kê đơn các BS điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số CMT nhân dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
Theo ThS Cao Hưng Thái, đơn thuốc theo quy định của Luật Dược phải đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; tính kinh tế và đảm bảo tính pháp lý về mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.
"Nếu đã có quy định mà bác sĩ không ghi thì không thực hiện đúng đơn thuốc mẫu, nhưng nếu cha mẹ trẻ không mang hoặc không nhớ số CMND/thẻ căn cước thì chẳng lẽ lại yêu cầu họ về nhà lấy" - BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ. |
Cao Tuấn - Thùy Trang