Múa hát Lải Lèn, Hát trống quân Liêm Thuận trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia

(CL&CS) - Tỉnh Hà Nam vừa có hai di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Múa hát Lải Lèn (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) và Hát Trống quân Liêm Thuận (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 3411/QĐ-BVHTT&DL và 3408/QĐ-BVHTT&DL về công bố Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia với Múa hát Lải Lèn (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) và Hát Trống quân Liêm Thuận (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Hát múa Lải Lèn

Hát múa Lải Lèn là nghi lễ tế Thần tại đình làng Nội Chuối (nay là thôn Nội Đọ, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) vào dịp lễ hội, đầu xuân năm mới.

Theo kể lại, Lải Lèn có khoảng 30 điệu múa hát, nhưng hiện nay, các thành viên trong CLB múa hát Lải Lèn Bắc Lý mới sưu tầm, tập hát múa thành thạo được khoảng 15 điệu. Khác xưa, các thành viên trong CLB hiện nay chỉ hát múa biểu diễn trong lễ tế Thần tại đình làng duy nhất vào ngày 20 tháng Giêng, đây cũng chính là ngày hội làng.

Hát múa Lải lèn (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.

Về nội dung, múa hát Lải Lèn có điệu diễn tả cảnh đón mừng nhà vua với những nghi thức cung đình; có điệu diễn tả cảnh trận mạc xưa với các điệu bắn cung, cưỡi ngựa, múa kiếm; có điệu diễn tả cảnh tiễn biệt người đi, kẻ ở trong thời chiến tranh; có điệu diễn tả cảnh đoàn quân chiến thắng trở về; có điệu diễn tả cảnh mở hội khao quân…

Hát múa Lải Lèn dù không mượt mà và sâu lắng như những điệu hát dân ca (do vừa khó hát vừa khó múa), nhưng đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc cha ông để lại, chỉ có ở Nội Chuối. Vì vậy, những năm qua người dân Nội Chuối luôn nỗ lực gìn giữ và mong muốn lưu truyền lại điệu múa hát cổ cho các thế hệ tiếp nối.

Hát Trống quân Liêm Thuận

Ra đời khoảng nghìn năm trước, những làn điệu hát trống quân ở Liêm Thuận (Thanh Liêm, Hà Nam) mượt mà, sâu lắng, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động... luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây.

Đặc biệt, nhạc cụ dùng để hát trống quân hết sức độc đáo, phù hợp với làn điệu, lời ca tự biên, tự diễn, mộc mạc, chân thành, giàu âm hưởng dân ca. Khác với những những quả trống được làm bằng gỗ mít, mặt bưng bằng da trâu ở nơi khác, trống để hát trống quân ở Liêm Thuận được làm bằng chum sành (hoặc vò, vại sành) - vật dụng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Hát trống quân ở Liêm Thuận có hai hình thức, hát trên cạn và hát dưới thuyền. Tuy nhiên, người dân Liêm Thuận trước kia chủ yếu hát trống quân dưới thuyền bởi nó phù hợp với cảnh đồng nước mênh mang, phù hợp nghề chài lưới gắn với chiếc thuyền nan khuya sớm...

Hát trống quân trên thuyền ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Trải qua những biến cố thăng trầm, có thời kỳ những làn điệu hát trống quân Liêm Thuận bị quên lãng, dần mai một và chỉ còn ít người biết đến. Những năm gần đây, việc bảo tồn điệu hát trống quân Liêm Thuận được chính quyền địa phương và những người gắn bó, tâm huyết, yêu điệu hát trống quân quan tâm gìn giữ.

Không còn cảnh hát đối đáp trên những chiếc thuyền nan nhẹ nhàng trôi giữa đồng nước mênh mông sóng vỗ như xưa, hát trống quân giờ được các thành viên trong CLB hát trống quân Liêm Thuận biểu diễn trong những dịp lễ hội... phục vụ bà con trong làng, trong xã. Có đôi chút thay đổi cho phù hợp như, hát trên cạn nhưng người hát vẫn sử dụng chum sành làm nhạc cụ thay vì đào trống đất như xưa.

Với việc công nhận Múa hát Lải Lèn và Hát Trống quân Liêm Thuận, tỉnh Hà Nam đến nay có 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi tên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TIN LIÊN QUAN