Mua bảo hiểm xe máy: Đối phó hay cần thiết?

(CL&CS) - Nhìn vào cách cấp tập mua để “phòng hờ” và tránh cảnh sát giao thông trong mấy ngày qua thì dường như ý nghĩa của bảo hiểm đã giảm đi khá nhiều.

Mấy ngày qua, dân chúng ồ ạt mua bảo hiểm xe máy để… “ đối phó” với cảnh sát giao thông (CSGT) và tránh bị phạt trong đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông từ 15/5 - 14/6/2020! Lẽ ra bảo hiểm nên có và việc nên làm này đã mang một ý nghĩa tốt đẹp hơn…

Bất kỳ xã hội phát triển và văn hóa giao thông nào cũng cần và nên có bảo hiểm xe cộ. Điều đó không chỉ bảo vệ bản thân, tài sản của chủ xe mà còn chia sẻ trách nhiệm cho những người liên quan hay chẳng may bị nạn cho chủ xe gây ra.

Không ai muốn có tai nạn giao thông để bồi thường và cũng chẳng ai mong mua rồi có lúc sử dụng. Nhưng có bảo hiểm xe sẽ khiến mọi người tham gia giao thông bớt mối lo hậu quả của TNGT, xã hội và mỗi cá nhân cũng giảm thiểu thiệt hại, được chăm sóc tốt hơn khi có tai nạn.

Nhưng nhìn vào cách cấp tập mua để “phòng hờ” và tránh CSGT trong mấy ngày qua thì dường như ý nghĩa của bảo hiểm đã giảm đi khá nhiều. Tờ bảo hiểm mỗi người bỏ ra vài chục ngàn, chỉ nhỉnh hơn bữa ăn sáng đấy được xem là bắt buộc và nếu họ gây tai nạn giao thông thì bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả thay. Tuy nhiên lý thuyết là vậy còn thực tế không như người ta quảng cáo.

Xin đọc những bức xúc này: “Sau khi xe anh Hà va chạm với một xe máy khác năm 2018, anh đã nhiều lần nộp hồ sơ cho công ty bảo hiểm. Các bên được mời lên làm việc mấy lần nhưng anh Hà vẫn không nhận được tiền đền bù, nản quá anh bỏ cuộc".

Phần lớn mua bảo hiểm để đối phó với CSGT mà ít tìm hiểu điều kiện, quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm. Vội vã mua, vội vã ghi thông tin, vội vã trả tiền rồi đi và tờ bảo hiểm nằm mãi trong ví, cốp xe cho đến khi hết hạn. Qua chiến dịch hay tổng kiểm tra, khi CSGT hết ra quân, thôi dừng bất cứ xe nào họ muốn dù không lỗi thì bảo hiểm có lẽ sẽ trở lại ế ẩm như thời gian trước.

Sáng nay, chị bán bảo hiểm xe máy trên Xa lộ Hà Nội, quận 2, TP.HCM nói với người viết: "Bình thường có tuần không bán được bảo hiểm xe máy cho ai. Từ khi có đợt ra quân kiểm tra phương tiện của lực lượng CSGT, khách mua tấp nập". Đó cũng là lý giải cho việc điểm bán bảo hiểm mọc lên như nấm khắp các cửa ngõ, tuyến đường lớn ở các thành phố.

Trách dân đối phó thì cũng phải xem lại vì sao họ lại không muốn mua bảo hiểm, dù là bắt buộc. Đây là những điều nên tham khảo: "Công ty bảo hiểm yêu cầu giấy tờ như biên bản hiện trường, giám định tỉ lệ thương tật, tình trạng hư hỏng của xe, xác nhận của CSGT rằng người điều khiển xe không uống rượu bia, không vi phạm giao thông...". 

Đó là chưa kể có vụ tai nạn yêu cầu phải có sự chứng kiến của các bên cùng lúc gồm CSGT, nhân viên bảo hiểm, những người liên quan vụ tai nạn... Với những thủ tục phức tạp đó, người mua làm sao đủ điều kiện hưởng bảo hiểm!

Người ta đang ước tính các công ty Bảo hiểm sẽ đột nhiên kiếm được cả ngàn tỷ sau đợt này. Dư luận cũng đặt dấu hỏi về việc “tuyên truyền ý thức giao thông” với đợt tổng kiểm tra ai cũng có thể bị phạt trên. Tuy nhiên điều gì cần làm, ý nghĩa thiết thực và hiệu quả lâu dài thì nên ủng hộ. Còn chỉ đánh trống bỏ dùi, ào ạt phong trào và lãng quên ngay sau đó thì cũng cần nhắc sao cho ích nước lợi nhà và đỡ phiền hà dân chúng.

Phan Nguyễn 

Nên đọc