Trước diễn biến khó lường và kéo dài như hiện nay của dịch bệnh COVID-19, thay vì đóng cửa để thực hiện giãn cách, nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển qua hình thức trực tuyến, giao dịch online. Họ phải đầu tư tiền bạc, công sức đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo giám đốc của một công ty bất động sản có trụ sở tại Q.7, TP.HCM, không phải đợi đến đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, doanh nghiệp mới triển khai bán hàng online mà trước đó, lo bị tụt hậu so với các đối thủ, doanh nghiệp này đã bắt đầu triển khai việc này rồi. Từ cuối tháng 5, doanh nghiệp bắt đầu chi hàng tỷ đồng đề chuyển đổi số, sử dụng cùng lúc nhiều nền tảng công nghệ để quản lý nhân sự. Công ty cũng phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến qua các kênh livestream, các nền tảng mạng xã hội để cải thiện thanh khoản.
Cũng theo vị giám đốc này, việc bán hàng online gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế khi không thể gặp trực tiếp khách hàng để chốt giao dịch, hiệu quả bán hàng chỉ đạt khoảng 30% so với điều kiện bình thường.
Tương tự, cũng chọn giải pháp đẩy mạnh livestream bán hàng, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ, trước làn sóng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn bởi phần lớn các công việc phải tạm ngưng như đi gặp gỡ khách hàng, tư vấn và dẫn khách hàng đi tham quan dự án. Do đó nhân viên kinh doanh (sale) không có cơ hội đi ra ngoài gặp khách hàng và chốt giao dịch.
Để thích ứng với đại dịch, từ cuối tháng 6 đầu tháng 7, doanh nghiệp bắt đầu tổ chức bán hàng online qua các nền tảng mạng xã hội và livestream, tuy hiệu quả không cao (chỉ đạt 20% so với trước dịch) nhưng dù sao cũng là lối thoát hiểm duy nhất hiện nay.
Theo ghi nhận thực tế, hiện nhiều môi giới đã tìm ra hướng đi mới bằng cách tăng cường live stream bán hàng trên Facebook, tư vấn qua Zoom hoặc tạo các nhóm Zalo để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư. Việc đăng tải thông tin khách quan kèm hình ảnh, video sinh động sẽ tạo được niềm tin vững chắc nơi khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương thức giao dịch bằng hình thức online đã và đang được nhiều môi giới áp dụng nhưng thực tế giao dịch trực tuyến các dự án bất động sản hiệu quả như thế nào?
Ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Khối Tiếp thị và Kinh doanh DKRA Vietnam thừa nhận, bức tranh toàn cảnh khá ảm đạm, môi giới bất động sản thuộc các sàn nhỏ đa phần nghỉ không lương nên đã về quê tránh dịch. Chỉ có các sàn địa ốc quy mô lớn với hàng trăm nhân sự trở lên và chủ động được rổ hàng mới có điều kiện dồn lực bán hàng online.
Đối với các công ty thay đổi tư duy bán bất động sản từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến qua các nền tảng công nghệ (phổ biến nhất hiện nay là livestream) tuy hiệu quả chưa cao nhưng là một trong những giải pháp ngắn hạn. Các chương trình bán hàng trực tuyến thường sẽ đạt hiệu quả về mặt thông tin, thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng vì lúc này đa phần mọi người đều ở nhà xem online nhiều.
Cũng theo ông Hiếu, cùng một dự án nếu điều kiện bình thường bán hàng trực tiếp vẫn tốt hơn bán online bởi do tâm lý khách hàng muốn giao dịch tài sản phải tiến hành trực tiếp để trao đổi nhiều hơn. Do đó, hiệu quả bán bất động sản online thường khá thấp, hiệu suất tốt nhất cũng chỉ bằng một nửa so với bán hàng trực tiếp".
Theo đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Q.1, TP.HCM, sau khi áp dụng hình thức tương tác mới với khách hàng, thời gian đầu thì họ còn giữ chỗ nhưng khoảng một tháng tiếp theo thì hầu như không còn tương tác từ khách hàng trong những giao dịch trực tuyến. Do đặc thù của bất động sản nên khách hàng muốn đến tận nơi nhìn thấy dự án trước khi quyết định đầu tư. Điều đó cho thấy khách hàng vẫn chưa đủ niềm tin để họ quyết định mua khi chỉ xem dự án thông qua màn hình. Vì vậy, trong mùa dịch này, công ty chủ yếu hướng đến khách hàng cũ có tiềm năng để giới thiệu dự án và gửi thông tin chờ họ phản hồi sau dịch chứ cũng không kỳ vọng gì nhiều.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, để sử dụng hiệu quả "sức mạnh" của các kênh trực tuyến nhằm bán được sản phẩm, người môi giới cần có thông tin và chiến lược chuyên sâu, phù hợp. Tuy nhiên, dù đánh giá cao các điểm mạnh của bán bất động sản trực tuyến giữa mùa dịch thì các kênh bán hàng online hiện vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn kênh bán hàng truyền thống. Các hình thức livestream bán bất động sản online trên nhiều nền tảng mạng xã hội bước đầu chỉ đóng vai trò trợ giúp, gia tăng nhận diện thương hiệu và duy trì kết nối với khách hàng, chuẩn bị cho những dịp bán hàng trực tiếp sau này.