Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phê duyệt, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hà Nam với diện tích là 861,93km2; gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục. Phía Bắc tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Nam Định, phía Tây Nam giáp tỉnh Ninh Bình và phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình.
Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; trung tâm du lịch văn hóa gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; có tốc độ tăng năng suất lao động cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nhân lực.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Hà Nam phát triển kinh tế thịnh vượng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, bền vững với các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, thể dục thể thao.
Môi trường xã hội tỉnh Hà Nam văn minh, hiện đại, dân chủ, con người Hà Nam phát triển toàn diện. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đặc biệt tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc
Hà Nam khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao, đưa Hà Nam trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Hà Nam là một tỉnh thuộc miền Bắc nước ta. Giữ nguyên những nét đẹp truyền thống vốn có, Hà Nam thu hút rất nhiều lượt khách du lịch mỗi năm. Bởi nơi đây vừa nên thơ, vừa thể hiện đúng bản sắc văn hóa, không bị tác động nhiều của dịch vụ.
Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, cách Thủ đô khoảng 65km. Đây là địa điểm phù hợp để du lịch tâm linh, văn hóa và ẩm thực khi có các di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng.
Hà Nam có khí hậu tương tự các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh. Nơi đây phù hợp để ghé thăm vào cả 4 mùa nhưng nếu không chịu được nóng, bạn nên tới vào mùa thu hoặc đông. Mùa lễ hội vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. Rằm tháng 4 có lễ hội Phật đản, phù hợp để tham quan những ngôi chùa.
2 địa điểm du lịch Hà Nam không thể bỏ lỡ:
1. Du lịch Phủ Lý
Phủ Lý là thành phố thuộc tỉnh Hà Nam, nằm ở vị trí cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội. Khí hậu nơi đây nằm trong khu vực khí hậu cận nhiệt đới ẩm, thường mưa nhiều, nhiệt độ tương đối mát mẻ và thể hiện đặc điểm bốn mùa khá rõ rệt.
Thành phố Phủ Lý có 21 đơn vị hành chính, bao gồm 11 phường và 10 xã. Đây là nơi gắn liền với nhiều di tích lịch sử, đền thờ tưởng nhớ các vị anh hùng của tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, nơi đây nằm ở vị trí gần thủ đô nên rất phát triển ngành kinh tế dịch vụ du lịch như: Khách sạn, nhà nghỉ, công viên...
Phủ Lý là một trong những địa điểm du lịch Hà Nam đáng để ghé thăm qua một lần khi có dịp ghé chơi Hà Nam đấy.
Một số địa điểm du lịch Phủ Lý nên ghé:
- Chùa Bầu: Chùa Bầu (Thiên Bảo Tự) là ngôi chùa lớn nhất thành phố Phủ Lý với khung cảnh thiên nhiên hữu tình, hài hòa với một một hồ nước lớn, trong xanh nằm ở phía trước chùa. Hiện nay, chùa Bầu đã được trùng tu lại với kiến trúc cổ kính pha lẫn nét hiện đại với không gian thoáng đãng, thích hợp để tu dưỡng về mặt tâm hồn.
- Nhà hát chèo Hà Nam: Nhà hát chèo Hà Nam có tiền thân là Đoàn chèo Hà Nam được thành lập vào năm 1958. Nơi đây bao gồm đầy đủ các lĩnh vực nghệ thuật từ chèo đến cải lương, ca múa, kịch nói,...Có thể nói đây chính là cái nôi nuôi dưỡng nghệ thuật chèo của tỉnh Hà Nam nói riêng và Việt Nam ta nói chung.
2. Du lịch Duy Tiên
Thị xã Duy Tiên nằm ở phía bắc tỉnh Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý 12km về phía bắc, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 48km. Phía đông giáp huyện Lý Nhân và thành phố Hưng Yên, phía tây giáp 2 huyện Kim Bảng và Ứng Hòa, phía nam giáp huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý, phía bắc giáp huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Đến với Duy Tiên, bạn có thể tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thưởng thức những món ngon đặc sản, khám phá những địa điểm vui chơi hay trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc trưng... Vậy nên, nếu có dịp ghé thăm các địa điểm du lịch Hà Nam, bạn không nên bỏ lỡ vùng đất này.
Một số địa điểm du lịch Duy Tiên nên ghé:
- Đền Lảnh Giang: Đền Lảnh Giang nằm trong làng Yên Hạc, thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nơi đây được xây dựng để thờ Tam vị danh thần của vua Hùng thứ 18. Khuôn viên của đền rộng 3.000m2, không có địa hình đồi núi nhưng lại đầy màu xanh của cây trái, rừng nhãn, bến nước, đầm sen. Với không khí phồn thịnh và êm đềm, đây là một trong những miền đất linh thiêng và nổi tiếng. Đền Lảnh Giang thường được đông đảo người dân đến lễ đầu năm và cầu mong cho một năm mới tràn đầy hạnh phúc và may mắn.
- Làng nghề Trống Đọi Tam: Làng trống Đọi Tam nằm dưới chân ngọn núi Đọi, một trong những ngọn núi nổi tiếng về vị thế và cảnh đẹp tại Hà Nam. Nghề làm trống tại Đọi Tam đã tồn tại từ rất lâu, hơn 1.000 năm qua. Làng trống Đọi Tam gây ấn tượng mạnh với nhiều người nhờ sự nổi tiếng của chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam được sản xuất tại đây. Đây là một trong những làng nghề truyền thống cổ xưa, nơi có những nghệ nhân làm trống tài ba, đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.