Một năm buồn của điện ảnh Việt Nam

(NTD) - 80 tỷ đồng doanh thu kỷ lục của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã không thể cứu vãn một năm ảm đạm của ngành phim ảnh nước nhà, khi phòng vé trong nước bị thống trị bởi các tác phẩm nước ngoài. Trong khi đó, hầu hết phim Việt Nam chiếu rạp lại bị đánh giá kém về chất lượng và lạm dụng yếu tố câu khách rẻ tiền.

Có lẽ dấu ấn duy nhất của điện ảnh Việt tại Lliên hoan phim Cannes 2015 là… những bộ váy của Lý Nhã Kỳ. (Nguồn: sendo.vn)

Không có “chuông” đi “đánh xứ người”

Gần 40 bộ phim được ra mắt trong năm nay là một con số trong mơ đối với điện ảnh Việt Nam, nếu so với thời kỳ năm 2002, khi Bộ Văn hóa - Thông tin bắt đầu mở cửa cho thành lập các hãng phim tư nhân, hay so với năm 2006, khi Luật điện ảnh ra đời. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không có tác phẩm nào trong số này đủ khả năng tranh tài tại các Liên hoan phim quốc tế dù chỉ với tính chất “điểm mặt đặt tên”. Hồi trung tuần tháng 5/2015, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ đã được hãng phát hành Fortissimo đưa vào danh sách giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes (Pháp). Nhưng tác phẩm được đánh giá là “phim Việt xuất sắc nhất năm” cũng chỉ dừng lại ở vai trò “làm khách”, không được đặc cách vào bất cứ hạng mục tranh giải nào.

Tình hình bên giải Oscar 2016 thậm chí còn u ám hơn. Do “Tôi thấy hoa vàng... ” ra rạp quá trễ so với thời điểm gửi hồ sơ tranh giải cho hạng mục “Phim nước ngoài hay nhất”, nên Cục Điện ảnh Việt Nam đã phải chuyển sang kêu gọi các nhà làm phim khác tham gia, dù xét trên mặt bằng chung, không có tác phẩm nào hơn được “Tôi thấy hoa vàng... ” về mặt chất lượng. Kết quả, chỉ có duy nhất “Trúng số” của Dustin Nguyễn, bộ phim mà nhiều nhà phê bình xếp vào loại “hài nhảm” chiếu từ hồi Tết âm lịch, là đăng ký tham gia. Có thể thấy thất bại của Việt Nam ở Oscar 2016 là gần như chắc chắn. Đáng buồn hơn, bạn bè quốc tế sẽ nhận xét như thế nào khi một tác phẩm trung bình như vậy lại trở thành bộ phim đại diện cho điện ảnh Việt Nam.

Phim trong nước quay lại thời “mì ăn liền”

“Để Hội tính”, “Thám tử Hên Ry”, “Lật mặt”, “Hy sinh đời trai”, “49 ngày”, “Kungfu phở”, “Con ma nhà họ Vương”... là những tác phẩm được quảng bá rầm rộ trong năm nay. Thế nhưng, những cú “ngã ngựa” nối tiếp nhau của những tác phẩm tưởng như “bom tấn” mà lại hóa… “bom xịt” này không khỏi người ta liên tưởng đến thời kỳ phim “mì ăn liền” của điện ảnh Việt cuối thập niên 1990. Đó là thời kỳ mà ai cũng trở thành nhà sản xuất, ai cũng có thể thành đạo diễn miễn là có tiền. Những bộ phim được sản xuất vội vàng chạy theo nhu cầu, thị hiếu giải trí phi nghệ thuật của một bộ phận khán giả, những người đến rạp không để thưởng thức tác phẩm điện ảnh mà để được xem nghệ sĩ mình yêu thích đóng phim như thế nào. Người làm phim không quan tâm đến chất lượng nghệ thuật mà chỉ quan tâm tạo ra chiêu trò để thu hút thật nhiều khán giả, thu lãi lớn.

“Hy sinh đời trai” là một bước lùi của đạo diễn Lưu Huỳnh. (Nguồn: vtc.vn)
Yếu tố đồng tính đang được các nhà làm phim Việt khai thác triệt để, điển hình như vai Hội của Thái Hòa trong “Để mai tính” 1, 2. (Nguồn: saostar.vn)

So với phim “mì ăn liền”, chất lượng phim thương mại bây giờ cũng không khá hơn. Gần 1 thập kỷ tăng trưởng như vũ bão đã khiến thị trường điện ảnh Việt Nam sản sinh ra hàng loạt những bộ phim đầu voi đuôi chuột, chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ chất lượng. “Hello cô ba”, “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”, “Ranh giới trắng đen”, “Nàng men chàng bóng”… là những bộ phim vừa thiếu đầu tư vừa nông cạn được lưu lại trong lòng người xem với danh từ “thảm họa”. Một số tác phẩm khác như “Tèo em”, “Mỹ nhân kế 3D”, “Để mai tính 1, 2”, “Cô dâu đại chiến 1, 2”… dù có phần chỉn chu hơn nhưng vẫn không thoát được cái mác “hài nhảm”, câu khách bằng các màn hở hang, dung tục, đồng tính, bạo lực, thậm chí đem người thiểu năng ra làm trò cười…

Những gương mặt ăn khách trong làng giải trí được huy động vào phim trong vai trò diễn viên chính, phụ, không cần biết diễn xuất tốt hay không, chỉ cần thu hút khán giả đến rạp là được. Vì vậy, những diễn viên điện ảnh giỏi nghề nhưng không hút khách như NSƯT Kim Xuân, Thành Hội, Hạnh Thúy… phải nhường vai cho các diễn viên hài, ca sĩ, người mẫu, thậm chí hotboy, hotgirl có nhiều khán giả hâm mộ. Hoài Linh, Trường Giang, Thái Hòa, Lê Khánh, Tấn Beo, Trấn Thành, Việt Hương... là những cái tên không thể thiếu trong nhiều phim thương mại hiện nay, mặc dù họ là diễn viên kịch, không có nhiều kinh nghiệm đóng phim, dẫn đến những vai diễn “đóng phim mà như đóng kịch”. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, e rằng sớm muộn phim Việt Nam cũng sẽ lại đi vào vết xe đổ bị khán giả quay lưng của dòng phim “mì ăn liền” 20 năm trước.

Mất dần thị phần

Kể từ sau “Gái nhảy” của Lê Hoàng, phim Việt đã bắt đầu có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các tác phẩm bom tấn nước ngoài trong cuộc chiến doanh thu. Có thể kể ra những cái tên điển hình như “Long Ruồi”, “Mỹ nhân kế 3D”, “Tèo em”, “Quả tim máu” và “Để Hội tính” đều lần lượt thu về những mức doanh thu kỷ lục từ 40-100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau “cú hích” của “Để Hội tính” thì từ đầu năm 2015 đến nay, chưa có một bộ phim nào có khả năng cán được mốc doanh thu đó hoặc tương đương, kể cả “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Điều này có thể là một dấu hiệu cho việc doanh thu thị trường điện ảnh đang chạm tới mốc giới hạn của nó. Hoặc tệ hơn là phim Việt nay đã quay về thời kỳ bị phim ngoại lấn át, khi tổng doanh thu của tất cả phim nội trong năm qua (khoảng 6 triệu USD) còn chưa bằng doanh thu của một phim Hollywood tại Việt Nam (7 triệu USD). Có lẽ đã đến lúc các nhà làm phim nên bắt đầu đi chậm lại để tiến chắc từng bước một thay vì cứ ào ạt tiến lên phía trước để rồi “ngã ngựa” đau đớn như trường hợp của đạo diễn Lưu Huỳnh, người bắt đầu sự nghiệp bằng một “Áo lụa Hà Đông” kinh điển và gần như kết thúc nó với một bộ phim hạng C: “Hy sinh đời trai”.

 Vương Giang

Nên đọc