Năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thông tin rõ ràng, hàng hóa minh bạch đối với sự an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền, được cung cấp thông tin, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hoá nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối còn là giải pháp chống hàng giả hàng nhái, đảm bảo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Việc minh bạch thông tin giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng nhưng cũng chính là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, gây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá…
Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn” tiếp tục là chủ đề năm 2024 của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Liên quan đến việc doanh nghiệp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người tiêu dùng, Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số - Bộ Công Thương cho biết, Trung tâm đã và đang triển khai các giải pháp như Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ số cũng đã và đang triển khai các giải pháp như: hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn thương mại điện tử, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền…
Cũng liên quan đến việc công bố thông tin, minh bạch thông tin của doanh nghiệp, Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, việc tuân thủ công bố thông tin, minh bạch thông tin của doanh nghiệp một phần phụ thuộc vào ý thức chủ quan của doanh nghiệp. Nếu có ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc công bố thông tin và minh bạch thông tin, doanh nghiệp sẽ xây dựng và duy trì một văn hóa tôn trọng và đề cao giá trị minh bạch, đáp ứng đúng quy định pháp luật và các yêu cầu của cơ quan quản lý.
“Vì vậy, chất lượng công bố thông tin cũng chính là thước đo văn hoá và năng lực của một doanh nghiệp, là cơ sở củng cố sự tin cậy của cổ đông, nhà đầu tư và nhân viên, cũng như có tác động lớn đến khả năng thu hút vốn đầu tư và duy trì nhân tài”, ông Quỳnh chia sẻ.
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến thực chất, vai trò then chốt nằm ở nhận thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chính người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới, các quy định pháp lý đã cụ thể hơn, chi tiết hơn, do đó khi luật có hiệu lực sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Cụ thể, phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, ông Vũ Văn Trung khẳng định.