Như thời điểm này năm ngoái, dọc tuyến đường đến Cao Phong, xe ô tô đã xếp hàng dài chờ mua mía để chở đi tiêu thụ ở khắp nơi. Mía bán đắt như tôm tươi, kể cả loại mía xấu, cây cong queo cũng được cánh lái buôn gom hết với giá từ 4.500-5.000 đồng/cây. Nhà nào còn luống mía muộn thì bán với giá lên đến 6.000-7.000 đồng/cây. Cũng nhờ vậy mà nhiều gia đình trồng mía khấm khá lên rất nhiều. Có gia đình còn sắm được cả ô tô để phục vụ cho việc vận chuyển mía đi bán.
Mía không những không tiêu thụ được mà còn giảm giá một nửa |
Nông dân trồng mía các xã Nam Phong, Dũng Phong, Tân Phong… (huyện Cao Phong, Hòa Bình) đang phải chịu cảnh “mía đắng”. Năm ngoái, giá mía bán ra trung bình khoảng 5.000 đồng/cây, nay chỉ còn 2.500-3.000 đồng/cây, thậm chí có nơi chỉ còn 1.000 đồng/cây mía, rớt giá tới 50-60%. Ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, cùng với cây cam, mía là cây kinh tế mũi nhọn của huyện. Diện tích mía của huyện cũng khoảng 2.000 ha, thuộc dạng lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ mía tím hiện chậm và “rất căng.
Cung vượt cầu
Nguyên nhân khiến giá mía giảm được cho rằng do diện tích trồng trong huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung tăng đột biến, trong khi nhu cầu sử dụng cây mía giảm. Ngoài ra, cũng do thời tiết năm nay có diễn biến phức tạp làm giảm chất lượng của cây mía. Nhiều hộ phải bán “tháo” để cố “gỡ gạc” phần gốc trả lãi ngân hàng còn thương lái thì không mặn mà để thu mua.
Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Bình cho biết, tỉnh này có hơn 10.000 ha mía, trong đó diện tích mía tím khoảng 4.000 ha (còn lại mía ép đường, mía ép nước giải khát). Nhưng năm nay mía tím đã vượt quy hoạch, nhảy lên con số 5.000-6.000 nghìn ha. “Qua nắm bắt tình hình, với khoảng 1.000 ha mía tím khó tiêu thụ đó tản mát ở các huyện, mía đã “già”, chuyển hóa sang nuôi mầm. Với những cây đẹp, người dân đã chặt tỉa để bán trước đó; một số chuyển sang làm giống, còn lại phải bỏ, đốt sạch để làm vụ khác” - ông Phong nói.
Giải pháp tránh “mía đắng” năm sau
Mía tím thường được trồng từ tháng 3-4 hằng năm, đến khoảng tháng 8-9 có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch mía tím có thể kéo dài 3-4 tháng. Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, mía là cây cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với sắn, ngô, lúa... “Thực tế, một héc ta mía, canh tác ở mức trung bình, đầu tư ban đầu khoảng 35-40 triệu đồng/ha, nếu bán với giá khoảng 2.000 đồng/cây như hơn một tháng qua cũng có thể được khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 30-40 triệu đồng/ha, chứ không lỗ hết”.
Từ chuyện dưa hấu, hành tím khó tiêu thụ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho rằng, cần liên kết mới có thể trồng mía theo quy hoạch, chứ rời rạc, mạnh ai nấy làm thì rất khó, rồi tình trạng “được mùa mất giá” lại tiếp diễn vụ này qua vụ khác. “Sức tiêu thụ chỉ khoảng 3.000 ha mía, nhưng vượt quá lại hụt hơi. Trung bình, một hécta cho 40-50 vạn cây mía, nếu khoảng 5.000 ha, tính ra khoảng 250 triệu cây, tiêu thụ thế nào cho hết? Một người dân Việt Nam ăn mấy cây mía mỗi ngày?”- ông Phong băn khoăn.
Tin tức mới nhất về Kinh doanh độc giả có thể đọc tại đây.
Cao Phong (TH)