Mẹo nhỏ chữa bệnh thường gặp bằng gừng không phải ai cũng biết

(NTD) - Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Gừng là gia vị thông dụng mà hầu như trong tủ bếp nhà nào cũng có. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách sử dụng vị thuốc này như thế nào cho hiệu quả.

Trường hợp bệnh nhân bị sốt cao, người lạnh run, đặc biệt là khoảng thời gian từ 21-23h đêm, người bệnh cảm thấy chân tay bủn rủn, cơ thể co rúm lại do lạnh, dù đã đắp 2-3 lớp chăn vẫn không bớt lạnh: Trường hợp này, lấy gừng tươi giã nhuyễn, sau đó đắp dưới lòng bàn chân (chỗ lõm hình chữ D, vị trí huyệt dũng tuyền) rồi dùng vải sạch hoặc bông gòn băng lại. Sau 15-20 phút cơ thể sẽ trở lại bình thường. Lưu ý: Tùy vào cơ địa mỗi người mà có thể đắp từ 2-3 đêm sẽ dứt hẳn tình trạng trên.

Trường hợp bệnh nhân bị ho, ho dai dẳng, ho có đờm: Để chữa trị dứt điểm chứng bệnh này, bệnh nhân cần chuẩn bị 2 quả táo Tàu, cắt mỗi quả ra làm bốn phần; 3-5 lát mỏng gừng tươi; 5 g cam thảo; 5 g trần bì; 7-10 g bán hạ; 5 g bạch linh. Sau đó đổ vào ấm, cho vào 1 chén rưỡi nước (khoảng 300 ml) rồi đun sôi nhẹ lửa khoảng 10 phút. Lấy ra uống khi còn nóng để đạt hiệu quả cao nhất. Một ngày nên uống 2-3 lần, uống liên tục từ 3-5 ngày chứng ho có đờm sẽ tự động biến mất.

 

Trị đau nhức đầu, lạnh bụng: Lấy 10 g gừng đã phơi khô, 5 g cam thảo, đun sôi hỗn hợp trên cùng 300 ml nước, sắc lại còn 100 ml thì dùng được. Để đạt hiệu quả cao nhất, nên dùng 2-3 lần/ngày.

Trị tiêu chảy cấp tính: Lấy gừng đã phơi khô, đem tán nhuyễn, sau đó uống với nước cơm hoặc nước cháo sẽ thấy hiệu quả tức thì. Lưu ý: Mỗi lần chỉ được sử dụng 2-4 g gừng khô.

Trị chứng đi ngoài ra máu đỏ tươi: Lấy khoảng 2-4 g gừng khô, rang trên chảo nóng, khi thấy gừng vừa đen xám bên ngoài thì tắt bếp. Dùng gừng đã rang uống với nước cơm hoặc nước cháo, mỗi lần 2 g, uống nhiều lần trong ngày. Hiệu quả sau ngày đầu sử dụng.

Trị bệnh cảm cúm, thân thể nhức mỏi: Lấy gừng tươi giã nhuyễn, sau đó tẩm qua rượu trắng, xào trên chảo nóng. Sau đó gói trong vải sạch dùng chà lên chỗ đau nhức. Sau 5-10 phút, cơ thể sẽ không còn đau nhức.

Chữa nôn mửa: Trong trường hợp này, bệnh nhân chỉ cần lấy một củ gừng tươi, rửa sạch, cắn từng miếng nhỏ và ngậm trong miệng khoảng 3-5 phút. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể dùng bài thuốc đơn giản từ gừng và vỏ quýt, đun sôi hỗn hợp trên với nước. Uống khi nóng sẽ có tác dụng tốt nhất.

Ngăn ngừa gàu trên da đầu: Trước tiên bệnh nhân có thể dùng gừng tươi chà rửa tóc, sau đó dùng nước gừng nóng để gội đầu, sẽ giúp ngăn ngừa và trị gàu hiệu quả.

Lưu ý: Gừng là vị thuốc được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y. Thế nhưng vẫn có những trường hợp bệnh nhân không nên sử dụng gừng. Đặc biệt là những người nhiệt, nóng bên trong cơ thể.

Quang Linh

 

 

Nên đọc