“Luật ngầm” xe cứu thương tại các bệnh viện

(NTD) - Chất lượng kém, vòi vĩnh, thiếu vật tư, chặt chém, đe dọa… đó là những gì các bệnh nhân đang phải gánh chịu trong các bệnh viện lớn tại TP.HCM. Đặc biệt, tại một số bệnh viện, xe cấp cứu “dù” móc ngoặc với “cò mồi” hoặc người trong bệnh viện đã thành “lệ làng” gây bao nhiêu khổ cực cho bệnh nhân, lẫn tài xế xe cứu thương.

Anh T.M.H. - tài xế lái xe cứu thương tại Đồng Nai cho biết, mỗi lần lái xe chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy là xác định phải gặp “cò”. “Đi xe từ tỉnh lên bệnh viện, nhưng khi về phải chở bệnh nhân mà “cò” yêu cầu. Tụi này dữ dằn lắm, nếu muốn an phận thì cứ làm theo, còn nếu ai chưa rành luật để chịu “phối hợp” đưa bệnh nhân về, thì chắc chắn sẽ bị cò “xử”.

Tài xế “ớn lạnh” cò!

Tại đây, “cò” đã thỏa thuận sẵn mức giá tiền cọc với bệnh nhân, sau đó thì ngồi canh me trước cổng bệnh viện, thấy xe cứu thương nào ở tỉnh lên mà về xe không, là bắt phải chở bệnh nhân. Chẳng có hợp đồng gì cả mà chỉ là chút “tiền cà phê”.

Vừa đỗ xe cứu thương để người nhà và nhân viên y tế cáng vào khu vực khám bệnh của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, anh N.V.V, một lái xe cứu thương từ tỉnh Bình Định đã phải nhanh chóng tìm chỗ đỗ xe, tránh trường hợp bị bảo vệ bệnh viện nhắc nhở, nhưng vẫn sợ “cò” nhất. Anh V. nói, việc liên quan đến xe cứu thương chở bệnh nhân trong các bệnh viện có quá nhiều vấn đề. “Mình chạy xe lên đón bệnh nhân về, phải nói khéo là người nhà thì may mới thoát ra được, vì họ không cho ra đâu.

Theo anh V., khi đón bệnh nhân cũng phải có mẹo. “Phải nói khéo là người nhà của mình mới đón được, nhưng ra cổng vẫn mất 100 ngàn đồng. Đón được người còn đỡ. Có khi đã mất tiền còn không đón được, thậm chí có trường hợp xe cứu thương lên đây đón bệnh nhân, người ta không nói năng gì nhưng sau đó đuổi theo chặn đường đánh”.

Hàng ngày tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Ung Bướu… nhận rất nhiều ca chuyển bệnh từ tỉnh về. Nhưng điều tài xế bức xúc là tại sao các bệnh viện này không liên kết với xe cứu thương từ tỉnh lên. Theo đó, xe cứu thương tỉnh sẽ đăng ký với bệnh viện, trong thời gian chờ, nếu bệnh viện thấy xe nào thuận đường với bệnh nhân thì liên hệ với tài xế, như thế vừa tránh được cò, vừa tăng nguồn thu cho bệnh viện…

Về vấn đề này, các tài xế cũng chia sẻ, một số bệnh nhân may mắn được chuyển về bằng xe cứu thương, còn xui thì đi xe “củi” (cũng xe cứu thương nhưng không có còi hụ, không giường nằm, không bình dưỡng khí… - PV). Theo ghi nhận thực tế, có rất nhiều xe “củi” mang biển kiểm soát tại TP.HCM đậu bên trong khuôn viên các bệnh viện để chở bệnh nhân về, tệ hại là các xe này được “cải tiến” bằng cách bỏ các băng ghế phía sau tài xế, còn người bệnh được “dưỡng thương” bằng cách nằm trên nhiều tầng của miếng lót nệm xe…

Còn chưa hết bức xúc, chị Trần Thanh Vân (An Giang) kể, khi vừa mới làm xong thủ tục xuất viện cho chồng tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào buổi sáng, thì vài chục phút sau đã có một người đàn ông lân la đến hỏi chuyện, đặt vấn đề về việc muốn đi xe cứu thương giá rẻ không? Đang trong hoàn cảnh khó khăn, nằm viện nhiều ngày tốn nhiều chi phí nên thấy giá xe “bèo” mà chất lượng ngang với xe cứu thương bệnh viện nên chị T. đồng ý ngay. “Lấy được giấy xuất viện, tiền cọc xong thì liền bị giở quẻ, người đó gọi điện thoại lại thông báo xe bị trục trặc và chuyển sang đi xe loại 7 chỗ giá rẻ hơn. Tôi đề nghị không đi, lấy lại tiền cọc thì “cò” lớn tiếng gây gỗ, dọa nạt. Như “cá nằm trên thớt”, không đồng ý cũng không được. Trên đường về, tài xế nói mình lái thuê, xin tiền “bồi dưỡng”, tôi không đồng ý thì lái xe chạy trên đường gồ ghề…!? Tưởng rẻ hơn, hóa ra còn mắc cũng gần bằng giá xe cứu thương!

Điều chị T. bức xúc hơn, quan trọng là ngay trong giờ, không được thăm bệnh mà “cò” lại vào được đến tận giường bệnh. Chị T. còn tiết lộ rằng “cò” đi đến nhiều giường khác - tất cả đều có người bệnh sắp xuất viện, để dụ chở họ về!

xe cứu thương biển trắng đang chuyển bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xe cứu thương tại Bệnh viện Chợ Rẫy luôn được "cò" nhắm đến.
Có quá nhiều vấn đề liên quan xe cứu thương chở bệnh nhân trong các bệnh viện.

“Hành” đủ kiểu

Theo ghi nhận của chúng tôi, một số bệnh viện lớn tại TP.HCM như Chợ Rẫy, Ung Bướu, Da Liễu do số lượng bệnh nhân đông nên nhu cầu đi xe cứu thương rất nhiều. Trong khi đó, do cung không đủ cầu nên nhiều gia đình bệnh nhân đành nhắm mắt chấp nhận đi xe dịch vụ liên kết với các bệnh viện, ngoài ra có nhiều bệnh nhân do hoàn cảnh xa xôi, gia đình khó khăn nhưng muốn kiếm xe cứu thương rẻ hơn cũng không đơn giản!

Trong vai một người bệnh đang cần tìm xe cứu thương để chuyển về tỉnh, chúng tôi liên lạc với xe cấp cứu thì được hét giá trên trời. Khi hỏi xe ôm đậu trước cửa Bệnh viện Chợ Rẫy thì được cho biết gần đây không có xe cứu thương chuyển bệnh dịch vụ nào khác. Theo ghi nhận của chúng tôi, xe cứu thương tại đây rất độc quyền, luôn có đội ngũ chân rết hùng hậu quan sát nhân viên bảo vệ, dù bảo vệ có số xe cấp cứu ở ngoài cũng không dám cho… Thậm chí, những ca bệnh nặng không thể cứu chữa được, gia đình bệnh nhân đành đưa về nhà nhưng bị “cò” dụ lên xe “củi”, khi đi được nửa đường thì chủ xe hét giá gấp 3, 4 lần. Lúc đó gia đình chỉ còn nước nhắm mắt đưa tiền, nếu không thì người chết sẽ bị trả xuống giữa đường.

Lấy lý do cần xe cứu thương để chuyển về tỉnh gấp, chúng tôi liên hệ với một xe ôm trước cổng bệnh viện để tìm xe về Ninh Thuận, tại đây, chúng tôi được khẳng định giá là 3 triệu đồng. Khi chúng tôi muốn đến tận nơi để xem xe cứu thương thì người này chở chúng tôi đến một con hẻm trên đường Triệu Quang Phục nhưng… chẳng thấy xe cứu thương đâu! Một người xưng là tài xế nói rằng đã gửi xe tại một bãi xe ở Q.Tân Phú và đưa hình ảnh từ điện thoại ra làm… minh chứng. Sau đó, tài xế này liên tục đòi tiền cọc 1 triệu đồng, khi chúng tôi không đồng ý, thì xe ôm đòi 100 ngàn đồng phí chở, mặc dù chỉ cách bệnh viện chưa đầy 1 km…!?

“Xe tui tận Ninh Thuận, nhưng bị cò ép buộc phải nhận chở bệnh nhân ở Bình Thuận (từ Bình Thuận về Ninh Thuận chạy xe không), “cò” lấy bệnh nhân gần 3 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho tui có 800 ngàn đồng, phải chấp nhận, cò đưa phí bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu không đồng ý thì lần sau khó có đường làm ăn, thậm chí bị nhớ biển số, nhớ mặt và bị gây gỗ” - anh Huỳnh Phúc A. - một tài xế chia sẻ.

Cao Tuấn

 
Nên đọc