Lời giải cho bài toán giá xăng, dầu

(CL&CS)- Trong khi lương cơ bản và lương tối thiểu vùng chưa tăng, thì liên tiếp những tháng qua do hệ lụy từ giá xăng, dầu liên tục tăng khiến cho mặt bằng giá cả tăng theo. “Ghìm cương”, kéo giảm giá xăng, dầu được cho là một trong những công cụ để giảm lạm phát, tránh để người dân, người lao động bị tác động bởi cơn “bão giá”!

Ảnh minh họa.

Hiện nay, cơ chế điều hành giá xăng, dầu của liên bộ Công Thương - Tài chính đang tuân theo nguyên tắc thị trường. Cụ thể, nếu giá xăng, dầu trên thế giới tăng, giá trong nước cũng điều chỉnh tăng và ngược lại. Hệ lụy của cuộc chiến Nga- Ucraina thời gian qua đã khiến giá dầu thô trên thế giới liên tục tăng cao, điều này dẫn đến giá xăng, dầu trong nước cũng liên tục tăng. Hiện tại xăng A95 có giá gần 31.6000 đồng/lít .

Với mức giá kỷ lục này, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đành “bấm bụng” chấp nhận vì yếu tố bất khả kháng từ thị trường thế giới mang lại. Nhưng dư luận bất ngờ nổi sóng khi thông tin chính thức từ báo chí cho hay, ở Malaysia giá xăng chỉ bằng 1/2 giá đang bán ở Việt Nam, nghĩa là dao động khoảng 15.000 đồng/lít. Lý do, bên cạnh việc Malaysia ban hành cơ chế trợ giá thì Chính phủ nước này còn dùng công cụ thuế để “ghìm cương” giá xăng.

Ai cũng biết, thuế là công cụ để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đối với mặt hàng xăng, dầu hiện chúng ta đang áp dụng 4 loại thuế với mặt hàng này. Cụ thể, Thuế giá trị gia tăng 10%; Thuế nhập khẩu 10%; Thuế tiêu thụ đặc biệt 7-10%; Thuế bảo vệ môi trường 1.000- 4.000 đồng/lít. Nghĩa là tiền thuế chiếm đến 30-40% cơ cấu giá trên một lít xăng, dầu.

Bình thường, khi thị trường thế giới “trời yên, biển lặng”, giá dầu thô giao dịch ở mức dưới 80 USD/thùng, mặt bằng giá bán lẻ xăng, dầu trong nước không quá quan trọng đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nói ngắn gọn sức chịu đựng vẫn tốt. Song khi giá được điều chỉnh lên mức gần 31.600 đồng/lít xăng thì buộc các cơ quan chức năng là Bộ Tài chính và Công Thương phải cùng nhau tính bài toán thiệt hơn dựa trên lợi ích chung của nền kinh tế cũng như sức chịu đựng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, trung bình mỗi ngày cả nước sẽ tiêu thụ hết bao nhiêu lít xăng, dầu? Với mức tiêu thụ đó, tiền thuế thu về cho ngân sách được bao nhiêu? Đồng thời, với mức giá xăng, dầu như hiện tại sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì nếu giá xăng, dầu vẫn đứng ở mức cao khiến giá đầu vào tăng cao, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gặp khó, tiền thuế đóng cho ngân sách bị thấp. Ngân sách Nhà nước chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đấy chưa kể đến hệ lụy về mặt xã hội (đời sống, thu nhập của người lao động).

Do vậy để giải bài toán giá xăng, dầu đặt trong sự hài hòa lợi ích quốc gia, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã đến lúc các Bộ Tài chính, Công Thương và Kế hoạch- Đầu tư phải tính tới yếu tố này để tiến hành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm các loại thuế để kéo giá xăng, dầu xuống mức thấp hơn. Nếu hạ một số loại thuế xuống mức thấp hơn chắc chắn sẽ giảm bớt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, người lao động.

Và khi “sức khỏe” doanh nghiệp được cải thiện, tiền thuế thu về cho ngân sách sẽ cao hơn so với tiền thuế thu về (nếu để nguyên mức thuế suất) từ tiêu thụ xăng, dầu mang lại.

TIN LIÊN QUAN