Logistics Hải Phòng cần phát huy lợi thế để lan tỏa giá trị ra các vùng kinh tế

(NTD) - Sáng ngày 12/7 Bộ Công Thương phối hợp cùng Thành phố Hải Phòng chủ trì hội nghị “ Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng – nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng” với mục đích phối hợp chặt chẽ cùng Hải Phòng để giải quyết những điểm nghẽn trong logistics giúp phát huy thế mạnh để trở thành nội lực quan trọng lan tỏa giá trị ra càng vùng kinh tế khác của thành phố & cả nước, đóng góp chung cho phát triển kinh tế xả hội, tăng trưởng GDP.

 

 

 Tại Hội nghị ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, trong các năm gần đây, TP Hải Phòng có các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, với GRDP hằng năm từ 14 - 16%, gấp hơn 2,5 lần bình quân chung của cả nước, có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng từ 20 đến trên 25%, như chỉ số phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu và tổng đầu tư toàn xã hội.

Theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Hải Phòng là thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là đầu mối phát triển của vùng Bắc Bộ, của cả nước, là trọng điểm dịch vụ logistics. “Việc tổ chức hội nghị ngày hôm nay, sẽ giúp chúng ta phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp phát huy lợi thế để phát triển dịch vụ logistics, để TP Hải Phòng sớm trở thành một trung tâm logistics của cả nước và quốc tế” - ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

 Hội tụ đủ điều kiện để phát triển

Theo ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký HHDN dịch vụ logistics Việt Nam, với hạ tầng cụm cảng lớn nhất khu vực miền Bắc gồm gần 30 cảng lớn nhỏ. Có đủ 6 phương thức vận tải với mạng đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với hệ thống của cả nước, sân bay quốc tế Cát Bi, có phương thức vận tải đường ống – khối lượng chuyển tiếp nội địa bằng đường ống chiếm trên 60% tổng hàng hóa nhập qua cảng B12. Có hệ thống kho tốt, trong đó có 18 kho ngoại quan, 4 CFS và địa điểm tập trung có 18 kho CFS. Hải Phòng có đầy đủ các điều kiện để phát triển ngành dịch vụ logistics, làm động lực để phát triển kinh tế vùng trọng điểm Bắc Bộ.

Cùng với đó Hải Phòng có trên 300 công ty cung cấp dịch vụ logistics, bao gồm công ty lớn cung cấp dịch vụ logistics của cả nước: Tân cảng Sài Gòn, Gemadept, Transimex… và quốc tế đang hoạt động. Bên cạnh đó, Hải Phòng có các KCN phát triển, TP công nghiệp cùng với hàng hóa của vùng KTTĐ tạo nguồn hàng dồi dào cho XNK. Hiện, Hải Phòng xuất khẩu chiếm 28,4% giá trị cả nước và nhập khẩu chiếm 41,3% - ông Minh cho biết thêm.

Nhưng chưa biết phát huy lợi thế

Tại Hội nghị còn ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, các doanh nghiệp logistics cho rằng, với vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng như vậy nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết lợi thế đã có. Hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung tại những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics như: Vận chuyển; kho bãi; đưa rút hàng khỏi cảng.

Trong khi đó dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả. Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.

Ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Delta chia sẻ: Đa phần các doanh nghiệp logistics đều là những doanh nghiệp nhỏ, có vốn dưới 10 tỷ đồng và số lao động dưới 50 người. Để giúp cho hoạt động logistics trở nên hiệu quả hơn, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế thì chúng ta cần có nhiều hơn nữa những công ty lớn mạnh: Vinatrans hay Transimex…Từ thực tiễn của công ty mình và của rất nhiều đồng nghiệp, tôi nhận thấy doanh nghiệp logistics đang khó tiếp cận và có được đất đai phù hợp để đầu tư – ông Nghĩa nói.

Giải pháp nào ?

Đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kết nối để đưa Hải Phòng trở thành đầu mối logistics của khu vực, ông Trần Thanh Hải -Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Hải Phòng cần đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại, thu hút doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp; cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Ông Lê Quang Trung – Phó TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề xuất, cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; tập trung đầu tư hoàn thiện một số ICD, cảng cạn theo quy hoạch; kết nối dữ liệu điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước - cảng ICD - hãng tàu - chủ hàng; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bến cảng Lạch Huyện. 

Ở một góc độ khác ông Nguyễn Duy Minh khuyến nghị, Hải Phòng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một trung tâm logistics phát triển với các chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn giảm thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics. Giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được.

Phạm Duy

Nên đọc