Loạt trạm dừng nghỉ sẽ khởi công trong năm 2024

Các tuyến cao tốc mới được đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều bất cập như thiếu làn dừng khẩn cấp, trạm dừng chân... trong quá trình sử dụng, lưu thông và cần những giải pháp khẩn cấp để xử lý.

Nhiều bất cập trên các tuyến đường cao tốc

Được gắn mác “cao tốc” nhưng hiện nay nhiều tuyến đường mới đưa vào khai thác được thiết kế mỗi bên chỉ có 1-2 làn xe, bộc lộ nhiều bất cập về tốc độ lưu thông, độ an toàn và tính tiện ích. Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác chưa hoàn thiện, thiếu trạm dừng nghỉ cũng gây khó khăn cho chủ phương tiện.

Không có trạm dừng nghỉ không chỉ là câu chuyện của văn minh, phục vụ sinh hoạt cần thiết của người đi đường, mà còn là yếu tố của an toàn. Việc không có trạm dừng, lái xe, hành khách phải đỗ xe bên đường để “giải quyết” sinh hoạt, gây mất vệ sinh và mất an toàn giao thông.

Ảnh minh họa.

Tại cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo, dù đường dài hơn 250km nhưng chỉ có 1 trạm dừng nghỉ trên tuyến cũ (đoạn Dầu Giây - Vĩnh Hảo chưa có), vì thế người đi cao tốc phải xếp hàng dài chờ tới lượt đi vệ sinh.

Tương tự với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khánh thành vào ngày 24/12/2023, nối liền dải cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM đến vựa nông sản ĐBSCL với tổng quãng đường khoảng 135km. Tuy đã nối thông nhưng cả 3 đoạn vẫn chỉ "dùng chung" 1 trạm dừng chân trên tuyến TP.HCM - Trung Lương, được đặt tại Km 28+200 (H.Thủ Thừa, Long An). Trạm dừng chân này trước cũng phải chờ tới 7 năm sau khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương khánh thành mới được đưa vào khai thác. Trong suốt 7 năm đó, không ít tài xế đã phải bất khả kháng cho xe rẽ xuống các nút giao để hành khách giải quyết nhu cầu cá nhân, rồi quay đầu trở lại cao tốc.

Thông xe cùng ngày với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Tuyên Quang - Phú Thọ cũng vừa không có trạm dừng nghỉ, vừa không có làn dừng khẩn cấp liên tục. Đây là công trình được người dân các tỉnh vùng đông bắc đón chờ bởi khi hoàn thiện, quãng đường từ TP. Tuyên Quang đi Hà Nội sẽ được rút ngắn. Con đường cũng đóng vai trò là mắt xích quan trọng khi khớp nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đang được thi công. Tuy nhiên, cũng do khó khăn về nguồn vốn, công trình phải phân kỳ đầu tư và trong giai đoạn đầu chỉ có 4 làn xe, thay vì làn dừng khẩn cấp thì được bố trí các dải dừng khẩn cấp không liên tục trên tuyến.

Khởi công loạt trạm dừng nghỉ trong năm 2024

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT cho biết những bất cập về hệ thống đường cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, thiếu làn dừng khẩn cấp đã được Bộ nhận diện và quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể. Nguyên tắc là đối với những dự án mới đang chuẩn bị triển khai, các trạm dừng nghỉ phải được quy hoạch, xây dựng và khai thác đồng bộ với hạng mục đường cao tốc.

Với 9 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đã hoàn thành và sẽ hoàn thành trong năm 2024, Cục Đường cao tốc cùng các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác sẽ được ưu tiên dồn lực triển khai nhanh nhất, không được chậm hơn các dự án cao tốc chuẩn bị triển khai.

Để đáp ứng yêu cầu vận hành trên các tuyến cao tốc, nhu cầu của người tham gia giao thông, đưa vào khai thác đồng bộ với các tuyến cao tốc đã, sắp đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau tại Quyết định số 938 với tổng số 36 trạm.

Cục Đường cao tốc cũng đã phê duyệt các nội dung trong Danh mục dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ tại 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông với 7 cặp trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần: Mai Sơn - QL45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Phan Thiết - Dầu Giây (mỗi dự án 1 cặp trạm) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 cặp trạm).

"Hiện các đơn vị đã tổ chức mời thầu, đấu thầu rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sau khi đóng hồ sơ, các đơn vị sẽ tổ chức chấm thầu, công bố nhà đầu tư trúng thầu, sau đó triển khai. Dự kiến đến quý 2 các công trình sẽ có thể khởi công. Do quy mô các trạm lớn, có trạm dừng nghỉ lên tới hơn 10ha nên thời gian thi công có thể kéo dài từ 1 đến 1 năm rưỡi", đại diện Bộ GTVT thông tin thêm.