Đường có vị ngọt, có sẵn trong thực phẩm hoặc tạo ra từ thực vật (mía đường, củ cải, thốt nốt…) rồi cho vào đồ ăn, thức uống. Đây là một carbohydrat (carbs) mà cơ thể hấp thụ để bổ sung năng lượng, ngoài ra không còn giá trị dinh dưỡng khác.
Có 2 loại đường: đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có sẵn trong các loại thực phẩm chưa qua chế biến: sữa, trái cây, rau, ngũ cốc… Đường tự nhiên phổ biến nhất là fructose trong trái cây, mật ong và lactose trong sữa hay các sản phẩm từ sữa.
Đường bổ sung được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, đồ uống hay đường thêm vào thức ăn khi nấu ăn tại nhà. Đường bổ sung có thể là đường tự nhiên (fructose) hay đường chế biến (sản xuất từ bắp).
Một người trung bình tiêu thụ khoảng 24 kilôgam đường mỗi năm hoặc 33,1 kilôgam (ở các nước phát triển). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị: người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% và khuyến khích giảm xuống dưới 5% tổng lượng năng lượng cần thiết. Trung bình 1 gam đường chứa 4 calo. Theo chế độ ăn hiện nay là 2.000 calo/ngày tương đương 500 gam đường. Như vậy, cần cắt giảm lượng đường xuống khoảng 50 gam (12 muỗng cà phê đường) đến 25 gam đường.
Lượng đường cung cấp vào cơ thể chỉ cần cao lên một chút thì lâu dài có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe.
Tăng cân không kiểm soát
Một trong những ảnh hưởng đầu tiên của việc ăn quá nhiều đường vào cơ thể là làm tăng cân. Với rất nhiều đồ uống có đường và các sản phẩm khác, con người (đặc biệt là trẻ em) rất dễ bị chứng béo phì.
Theo một nghiên cứu, lượng thức uống nhiều đường có liên quan đến chứng béo phì ở trẻ em. Thực tế, lượng calo trong chất ngọt này ức chế tế bào đốt chất béo và làm tăng lượng insulin, gây rối loạn trao đổi chất cơ thể dẫn đến tăng cân.
Ngoài ra, đường cũng có khả năng tăng ghrelin – hormone gây cảm giác đói. Vì vậy, bạn sẽ ăn nhiều hơn, chủ yếu là thực phẩm giàu carbohydrate dẫn đến sự tích tụ chất béo trong bụng. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Ăn nhiều đường là nguyên nhân gây nổi mụn
Ăn nhiều carbs tinh chế (đồ uống có đường, bánh mì trắng, gạo trắng, bánh ngọt, nước ngọt, đồ ăn chế biến sẵn, mì ống, đồ ngọt, ngũ cốc ăn sáng) làm tăng nguy cơ phát triển mụn trứng cá. Ngoài ra, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (món ăn chế biến sẵn, khoai tây, bí đỏ, bánh quy, đường kính, bơ, mỡ động vật…) làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn so với thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (bột yến mạch, bắp, củ từ, đậu Hà lan, cà rốt…).
Khi đường huyết tăng, insulin tăng đột biến để đưa glucose vào tế bào. Sự gia tăng insulin dẫn đến tăng tiết androgen nên cơ thể sản xuất nhiều dầu, gây tình trạng viêm. Đây là các yếu tố thuận lợi để phát triển mụn trứng cá.
Một nghiên cứu ở Pháp trên 24.452 người cho thấy người sử dụng các sản phẩm chứa nhiều chất béo, đồ uống có đường dễ bị mụn trứng cá. Trong khi đó, người ăn các món rau luộc, thịt luộc, canh… ít bị mụn trứng cá hơn.
Nâng cao nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2
Quá nhiều đường dẫn tới tăng insulin trong máu của bạn, là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 - căn bệnh của khoảng 300 triệu người trên thế giới.
Khi bạn ăn nhiều đường sẽ dẫn đến sự tích tụ các chất béo trong gan. Theo thời gian, nó sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tuyến tụy, các tế bào beta trong tuyến tụy của bạn sẽ bị ảnh hưởng và mất khả năng sản xuất đủ insulin.
Tăng quá trình lão hóa da
Ăn nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến elastin và collagen, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra làn da mềm mại và mịn màng. Đường cũng có thể gây viêm da cơ thể, nếp nhăn, mụn và da lão hóa sớm.
Bên cạnh đó, ăn quá nhiều đường dẫn tới lượng đường trong máu cao, có thể làm giảm các chất chống oxy hóa bảo vệ da. Điều này sẽ làm cho da bạn dễ bị tổn thương do ánh nắng, một lý do quan trọng khác gây ra lão hóa da.
Tăng nguy cơ bị ung thư
Cho quá nhiều đường vào chế độ ăn uống thường ngày cũng như dùng các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường có thể gây viêm, căng thẳng, lão hóa nhanh. Các yếu tố này tác động đến nguy cơ phát triển ung thư. Một đánh giá về thực phẩm và thức uống có đường cho thấy nếu tiêu thụ quá nhiều, nguy cơ ung thư tăng 23% – 200%.