Loại củ mùa đông vô cùng tốt cho sức khỏe: Chính là củ su hào!
Theo BS Đông y Nguyễn Hữu Trường (làm việc tại TP.HCM), hiện nay ở miền Bắc, su hào đang là một trong những loại rau củ được thu hoạch nhiều. Loại củ này có hàm lượng vitamin C dồi dào cũng như nhiều dưỡng chất quan trọng. Nếu tận dụng thời gian rảnh rỗi, bạn có thể đem sấy khô su hào để dự trữ Tết, bạn sẽ vừa có những món ăn mới lạ ngay năm mới lại có công dụng phòng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe.
Theo chuyên gia, khi sấy khô su hào, bạn sẽ có món mới đem cất đi dự trữ Tết. Đến Tết, bạn chỉ cần đem su hào sấy khô ra là có thể chế biến thành nhiều món ăn cho gia đình như dạng củ tươi.
Trong khi đó, hương vị của chúng khá mới mẻ, kết cấu giòn hấp dẫn sẽ khiến bạn thích mê. Đặc biệt là giá trị dinh dưỡng trong su hào vẫn nguyên vẹn. Ăn su hào dịp Tết trở thành thói quen của nhiều gia đình và năm nay bạn có thể đổi mới bằng cách sấy khô từ bây giờ, để dự trữ Tết năm nay và thưởng thức.
BS Trường nhận định, trong Đông y, củ su hào có vị ngọt nhạt, tính mát được sử dụng để chữa viêm loét hành tá tràng, người có nước tiểu đục, tiểu tiện nhỏ giọt, viêm xoang, đại tiện xuất huyết…
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, loại củ này đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Chúng chứa nhiều chất xơ, selen, axit folic, vitamin C, kali, magiê và đồng... Thậm chí, trang Draxe khẳng định, su hào là một trong những loại rau củ quả có chứa hàm lượng vitamin C cao hàng đầu, đáp ứng hơn 100% lượng vitamin C hàng ngày của bạn chỉ bằng việc ăn một củ cỡ nhỏ.
Ngoài ra, trong su hào còn có hàm lượng phytochemical quý giá, có công dụng phòng chống ung thư, tiểu đường, cholesterol cao, đồng thời cải thiện chức năng gan và thận.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, trong 135g su hào chỉ chứa 36 calo, 8,4g carbohydrate, 2,6 g protein, 0g chất béo, 4,9g chất xơ, 83,7 miligam vitamin C (chiếm 140% lượng vitamin C mà cơ thể cần), 472 milligrams kali (13,5% cơ thể cần), 0,2 miligam B6 (10% cơ thể cần), 62% canxi phốt pho (6.2% cơ thể cần), 22 microgram folate (5.5% cơ thể cần), 0.1 miligam thiamine (4.7% cơ thể cần), 32 miligam canxi (3,2% cơ thể cần mỗi ngày).
Đây cũng là một trong những loại rau củ giúp hỗ trợ giảm cân tốt nhất, chị em phụ nữ có thể ăn nhiều vào mùa đông để giữ dáng hiệu quả hơn.
Trong Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ, ăn nhiều su hào trong chế độ ăn hàng ngày sẽ cải thiện những chứng bệnh tim mạch mà bạn đang mắc phải.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 2.332 người đàn ông Phần Lan bị bệnh tiểu đường tuýp 2 cho thấy, ăn nhiều su hào, bao gồm cả củ lẫn lá, giúp kiểm soát bệnh dễ dàng hơn. Do đó, loại củ giàu vitamin C này rất tốt cho người bị bệnh tim mạch, tiểu đường...
3 lưu ý quan trọng khi ăn su hào, tránh mắc bệnh đáng tiếc
1. Người mắc bệnh tuyến giáp
Theo trang Draxe, nếu bạn bị rối loạn tuyến giáp hay bất cứ vấn đề nào ở tuyến giáp, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn su hào.
Su hào là một trong những loại rau họ cải, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chức năng hoạt động của tuyến giáp. Do đó, nhóm đối tượng có vấn đề về tuyến giáp không được ăn su hào tùy tiện.
2. Không ăn quá nhiều su hào
Đông y quan niệm, su hào có tính giải độc, lợi tiểu cao. Khi ăn quá nhiều su hào, quá trình thanh lọc, lợi tiểu diễn ra quá mạnh, có thể khiến cơ thể hao tổn khí huyết, hàm lượng vi chất dinh dưỡng dễ bị cuốn trôi ra ngoài.
Do đó, bạn không nên ăn quá nhiều su hào để tốt cho sức khỏe.
3. Không ăn su hào sống
Nhiều người vẫn thường làm món dưa góp, nộm bằng su hào sống. Ăn một chút su hào sống có thể giúp tăng khoái khẩu. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không được ăn nhiều, hoặc tốt nhất là ăn ở dạng chín, không nên ăn sống.
Ăn nhiều su hào sống có thể gây đau bụng. Do đó, những người có vấn đề về đường tiêu hóa, người bị đau dạ dày, người già, trẻ nhỏ tuyệt đối không nên ăn su hào sống.