Nhà tài phiệt hàng không có nguồn gốc từ Ấn Độ hy vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường hàng không Ấn Độ có sức phát triển nhanh nhất thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Vi phạm “quy định 5/20” tại Ấn Độ
Từ tối 29/5, Cục Điều tra Trung ương (CBI) của Ấn Độ tiến hành lục soát toàn bộ các văn phòng AirAsia India. CBI quyết định lập hồ sơ đối với Fernandes, Tập đoàn AirAsia, hãng con tại Ấn Độ, các quan chức Ấn Độ và một vài người liên quan.
Trong hồ sơ khởi tố, CBI nói rằng Fernandes, hãng hàng không và quan chức “đã chọn cách phá vỡ các luật định và chính sách hàng không ở Ấn Độ” và gây sức ảnh hưởng đến quan chức chính phủ để “có được các phê duyệt cần thiết bằng các biện pháp không minh bạch”.
AirAsia India phủ nhận tất cả các cáo buộc và nói đang hợp tác với nhà chức trách “để trình bày sự thật đúng đắn”. Trong khi đó, trên tài khoàn Twitter, Fernandes không đá động gì đến các cáo buộc, mà chỉ than phiền rằng các nhà báo đưa tin không kiểm chứng.
AirAsia Group bước vào thị trường Ấn Độ bằng cách lập liên doanh với Tập đoàn Tata Sons năm 2014. Ngay từ ngày đầu tiên, Fernandes đã muốn hãng mở ngay các tuyến bay quốc tế mặc dù biết rõ “quy định 5/20” – các hãng bay phải có kinh nghiệm 5 năm trên thị trường nội địa và có ít nhất 20 máy bay mới được mở các đường bay quốc tế. (Tuy nhiên, quy định này bị bãi bỏ vào năm 2017.)
AirAsia India hiện có 14 máy bay và tuyên bố sẽ có đợt gọi vốn mới để nâng số máy bay của hãng lên con số 60 trong năm năm tới.
Cuộc điều tra nổ ra ngay vào thời điểm AirAsia India đang chuẩn bị mở rộng đội bay nhằm thống lĩnh thị trường hàng không tiềm năng và phát triển nhanh nhất thế giới. Trước đó, đầu tháng 5/2018, CEO của AirAsia India – Amar Abrol – đã nộp đơn xin từ chức với lý do cá nhân.
Giá cổ phiếu của AirAsia trên thị trường chứng khoán các nước châu Á tụt giảm 2-4% sau quyết định khởi tố. Có thị trường, giá giảm đến 7% và vào thời điểm tệ hại lên đến 11%.
CEO AirAsia Tony Fernandes cùng với cựu thủ tướng Najib Razak trong chiến dịch bầu cử vào đầu tháng trước. (Ảnh: Najib Razak) |
Ông Tony Fernandes - thứ năm từ trái sang - cùng cựu thủ tướng và quan chức trong liên minh Barisan Nasional bên chiếc máy bay được sơn lại màu xanh dương. (Ảnh: Najib Razak) |
Tai tiếng từ cuộc bầu cử tại Malaysia
Niềm tự hào của hàng không Malaysia và châu Á đang phải đương đầu với cuộc điều tra của Hội đồng Hàng không Malaysia (MAC) khi đã hủy 120 chuyến bay trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử vào đầu tháng 5/2018 vừa rồi.
Trước ngày bầu cử 9/5, cử tri Malaysia thấy Fernandes xuất hiện cùng cựu Thủ tướng Najib Razak nói về sự thành công của hãng hàng không giá rẻ được gầy dựng tại Malaysia. Một tấm hình - trong đó Fernandes có mặt cùng ông Najib trên máy bay của AirAsia – lan truyền rộng rãi trên mạng suốt giai đoạn bầu cử. Đồng phục của tiếp viên và màu sơn của máy bay được đổi từ đỏ sang xanh dương – màu tượng trưng cho liên minh cầm quyền Barisan Nasional của cựu Thủ tướng Najib.
Vị cựu thủ tướng tham nhũng và liên minh cầm quyền thất bại trước “ông già gân” Mahathir 92 tuổi, Fernandes “phản đòn”. Vị CEO xuất hiện trước công chúng và nói rằng gặp áp lực “khủng khiếp” của chính quyền cũ để hủy các chuyến bay, “nhân nhượng vô nguyên tắc” khi xuất hiện trong video cùng Najib cũng như sơn lại máy bay và đổi đồng phục tiếp viên. Fernandes nói mình đã “rất ngu ngốc” khi nghĩ rằng xuống nước là sẽ bảo đảm công ăn việc làm tại AirAsia.
“Dưới áp lực liên tục, tôi đã khuất phục. Điều đó không đúng, tôi sẽ mãi mãi hối hận nhưng đó là một quyết định vào lúc bị dí dao vào người. Tôi chân thành xin lỗi về nỗi đau và tổn thương mà mình gây ra”, Fernandes phát biểu vài ngày sau khi ông Mahathir thắng cử.
Người sáng lập Tập đoàn hàng không AirAsia đang đứng trước các cáo buộc nằm trong "đường dây tội phạm" điều khiển AirAsia India từ Singapore và hối lộ quan chức. Tony Fernandes cũng dính líu đến vụ bê bối chính trị ở Malaysia. (Ảnh: AFP) |
Hãng hàng AirAsia India và các hãng con khác của T1ập đoàn AirAsia sẽ không còn chiếm lĩnh bầu trời như trước, nếu không đủ sức vượt "nạn tam tai". (Ảnh: Fiancial Times) |
Kỳ trăng mật của AirAsia sắp hết?!?
Năm 2016, tại triển lãm hàng không Farnborough, AirAsia gây sốt truyền thông khi công bố đơn đặt hàng 12,6 tỷ USD với Airbus. Vào tháng 1/2018, Fernades nói với hãng tin Bloomberg rằng sẽ không dự định đặt thêm máy bay mới mà chỉ đang chờ các đợt giao hàng của Airbus.
Hiện đội bay của AirAsia Group gồm hơn 200 máy bay – toàn dòng Airbus. Điều này tạo thế mạnh tài chính cho AirAsia trong việc bảo dưỡng máy bay và khả năng mặc cả với Airbus khi AirAsia đang là khách hàng lớn thứ hai.
Tuy nhiên, AirAsia làm các chuyên gia tài chính chú ý khi tuyên bố bán hãng con chuyên cho thuê máy bay Asia Aviation Capital Ltd vào đầu tháng 3/2018. AirAsia có thêm 1,2 tỷ USD từ thương vụ này, nhưng đồng nghĩa là Fernandes sẽ từ bỏ quyền sở hữu tới 186 máy bay trên tổng số hơn 200 chiếc. Các hãng con của AirAsia sẽ thuê lại số tàu bay này.
Dù rằng, Fernandes nói thương vụ này chỉ là thanh lý các tài sản và doanh nghiệp “không mang lại lợi nhuận” (non-core). Nhưng các chuyên gia tài chính cảm thấy sự hụt hơi của ông chủ AirAsia.
Fernandes cũng từng nói rằng không lo lắng về giá xăng dầu đang gia tăng, và không có ý định bắt khách phải trả phụ phí xăng dầu hay điều chỉnh kế hoạch mua bán xăng dầu hedging của mình.
Cách đây khoảng ba tháng, giá dầu ở khoảng 60 USD một thùng. Fernandes nói rằng AirAsia vẫn đang tận hưởng “thời kỳ trăng mật” so với giá 100 USD / thùng vào năm 2014.
Tuy nhiên, giá dầu Brent giao trong tháng 6 này đã tiệm cận con số 80 USD vào phiên giao dịch cuối ngày 31/5. Và chắc chắn đó chưa phải là điểm dừng!
Ricky Hồ