Nhắc đến Licogi 14, ấn tượng đầu tiên của các nhà đầu tư sẽ nghiêng về cổ phiếu L14 hơn là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tế, năm 2021 vừa qua cổ phiếu L14 đã tạo nên những “đợt sóng” trên thị trường chứng khoán.
Từ hiện tượng cổ phiếu L14 tăng bằng lần, thành cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán
Nhắc đến Licogi 14 những năm trước đó, ấn tượng của các nhà đầu tư sẽ chỉ dừng lại ở một doanh nghiệp “thuộc họ” Licogi. Tuy nhiên năm 2021 vừa qua, mà đúng hơn từ giai đoạn cuối năm 2021 cổ phiếu L14 bất ngờ trở thành “hiện tượng” khi phi một mạch từ vùng giá 60-70.000 đồng/cổ phiếu trước đó lên vùng giá 416.000 đồng/cổ phiếu những ngày đầu năm 2022, trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
Khi L14 trở thành “hiện tượng”, nhà đầu tư quay trở lại xem xét tình hình kinh doanh của công ty thì thấy Licogi 14 là doanh nghiệp thuần hoạt động xây dựng. Năm 2021 của công ty đạt gần 167 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 10 lần, lên 372 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 215 tỷ đồng. EPS đạt 8.103 đồng.
Tuy vậy, là doanh nghiệp xây dựng nhưng cơ cấu kinh doanh của công ty cho thấy lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt gần 75 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận chính của công ty trong năm đến từ lãi kinh doanh chứng khoán với hơn 385 tỷ đồng.
Đến những “chiêu” đẩy giá cổ phiếu phiếu đầu cơ
Quay trở lại bản báo cáo lưu chuyển tiền tệ, tổng tăng tiền chứng khoán kinh doanh trong năm đạt hơn 486 tỷ đồng, trong khi số dư đầu năm 2021 bằng 0. Đây chính là khoản đầu tư vào cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O và cổ phiếu DIG của DIC Corp. Báo cáo ghi nhận công ty sở hữu hơn 7,57 triệu cổ phiếu CEO và gần 2,89 triệu cổ phiếu DIG với giá trị đầu tư gốc hơn 486 tỷ đồng. Giá trị hợp lý xác định theo giá đóng cửa cổ phiếu tại ngày 31/12/2021 đạt hơn 815 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch “tạm lãi” khoảng 330 tỷ đồng.
Khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 bắt đầu phát sinh trong quý 4/2021 – cũng là thời điểm các cổ phiếu đầu cơ như L14, DIG, CEO bắt đầu có dấu hiệu tăng nóng. Và hiện tượng tăng nóng giá cổ phiếu đầu cơ này liên quan đến những “chiêu” đẩy giá cổ phiếu.
Mới đây Chứng khoán VPS có thông báo về việc bán giải chấp cổ phiếu L14 của khác hàng là Thành viên HĐQT của CTCP Licogi 14 – ông Nguyễn Mạnh Tuấn. Có 200 cổ phiếu bị bán giải chấp. Ngày thực hiện giao dịch từ 28/3/2022.
Profile của ông Nguyễn Mạnh Tuấn ghi nhận, ông Tuấn sinh năm 1970, là kỹ sư chế tạo máy. Ông Tuấn được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT Licogi 14 từ tháng 4/2016. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn còn được biết đến với nhiều biệt danh trên chứng trường như “nhà đầu tư 1970” hay “thầy A7”. Biệt danh này gắn liền với một tài khoản facebook có tên “Nguyễn Mạnh Tuấn” liên tục đăng tải các thông tin, nội dung liên quan đến nhóm cổ phiếu này, và chỉ đích danh các mã cổ phiếu như DIG, CEO, DRH… - đây cũng là những cổ phiếu “nổi đình đám” với tỷ lệ tăng bằng lần trong thời gian ngắn.
Và cách Licogi 14 “xoay” tiền đầu tư chứng khoán
Tổng giá trị chứng khoán kinh doanh 486 tỷ đồng, tương ứng 41,8% tổng tài sản của Licogi 14 tính đến 31/12/2021. Trong khi đó tiền và các khoản tương đương tiền không có nhiều biến động so với đầu năm, xấp xỉ mức 90 tỷ đồng và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn còn tăng 50 tỷ đồng so với đầu năm, lên gần 260 tỷ đồng – là các khoản tiền gửi tại ngân hàng.
Còn BCTC quý 1/2022 ghi nhận tổng giá trị đầu tư chứng khoán kinh doanh tăng thêm 44,2%, lên trên 700 tỷ đồng. Và giá trị chứng khoán đầu tư chiếm đến 54,6% tổng tài sản công ty tính đến 31/3/2022.
Vậy Licogi 14 lấy tiền đâu để đầu tư chứng khoán? BCTC năm 2021 ghi nhận dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn tăng gần 170 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó số tăng/giảm trong năm lên đến cả nghìn tỷ đồng. Số liệu cụ thể, tăng vay ngắn hạn trong năm 1.785 tỷ đồng và giảm vay ngắn hạn trong năm 1.623 tỷ đồng. Trong số này có khoản vay ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán.
Tổng tiền "vay ký quỹ" trong năm đối với Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) hơn 395 tỷ đồng và trả trong năm 349 tỷ đồng, còn dư lại cuối năm gần 47 tỷ đồng. Khoản vay ký quỹ đối với Chứng khoán Agribank trong năm hơn 39 tỷ đồng và trả trong năm 29 tỷ đồng, còn dư cuối năm hơn 10 tỷ đồng. Đối với chứng khoán VPS vay ký quỹ trong năm hơn 1,6 tỷ đồng và đã trả hết trong năm.
Công ty còn có khoản "ứng trước tiền bán chứng khoán" dư cuối năm hơn 80 tỷ đồng. Trong đó các hoạt động ứng/trả trong năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tổng ứng trước đối với Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) lên đến 867 tỷ đồng và trả trong năm gần 807 tỷ đồng, còn dư lại cuối năm hơn 60 tỷ đồng. Đối với Chứng khoán Agribank tổng ứng trong năm hơn 428 tỷ đồng và trả trong năm 415 tỷ đồng, dư lại cuối năm hơn 12 tỷ đồng. Với Chứng khoán VPS khoản ứng trước trong năm hơn 12 tỷ đồng và dư lại cuối năm hơn 6 tỷ đồng.