Công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung, trong đó có thanh niên, học sinh sinh viên (HSSV) có diễn biến phức tạp, người phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi phạm tội tinh vi, khó phát hiện.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho HSSV chưa hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh và xây dựng môi trường giáo dục. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kịp thời.
Lễ ra quân phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Ảnh: Internet |
Theo số liệu từ Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2019 cả nước đã phát hiện khoảng 1.300 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi, khoảng 2.300 vụ phạm tội với trên 3.500 nam và trên 100 nữ tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.
Tình hình mất an ninh trật tự, an toàn trường học đã có ảnh hưởng không tốt tới học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, giáo viên và gia đình người học, ảnh hưởng tới sự phát triển của tương lai đất nước.
Để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT, các nhà trường quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, quy định về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, HSSV; phát huy tính chủ động, sáng tạo của HSSV cán bộ, giáo viên trong việc lồng ghép, tích hợp công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý, cán bộ quản lý các nhà trường rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các nội quy, quy định của địa phương, nhà trường phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà trường; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhằm bảo đảm các quy định được thực hiện đầy đủ và hạn chế tối đa lỗ hổng trong quản lý.
Thu Thủy