Lễ nhảy lửa (Tuyên Quang) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(CL&CS) - Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng ghi danh Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023, ngành đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với 16 dân tộc. Theo đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 425 di sản. Ngành cũng tiến hành kiểm kê 40 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn

Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hóa), với khoảng 700 nhân khẩu. Khi nhắc đến người Pà Thẻn là người ta nhắc đến lễ nhảy lửa và ngược lại.

Lễ nhảy lửa của đồng bào thường diễn ra vào lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, vào khoảng ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 16/1 âm lịch năm sau. Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Phần đầu là phần thầy cúng gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Phần hai là nghi lễ nhảy lửa, một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Điều huyền bí nhất của lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng. 

Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

TIN LIÊN QUAN