Lễ hội thả diều Bá Dương Nội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(CL&CS) - Lễ hội thả diều của làng Bá Dương Nội chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) vừa có quyết định đưa lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thú chơi diều và lễ hội thả diều của làng Bá Dương Nội có từ rất lâu đời. Đây là lễ hội độc đáo, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước và gửi gắm những ước vọng của người cư dân vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Thú chơi diều và lễ hội thả diều của làng Bá Dương Nội có từ rất lâu đời.

Theo tục lệ cổ truyền, hội thi thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức vào dịp rằm tháng Ba âm lịch hàng năm. Trải qua một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, từ năm 1989, lễ hội diều Bá Dương Nội đã được khôi phục và duy trì theo nghi thức truyền thống.

Trong đó phần lễ bao gồm lễ tế Đại Tịch, lễ dâng hương, nghi thức đánh trống, đánh chiêng cầu phong… Đặc sắc nhất trong phần hội là hội thi thả diều. Xưa kia, hội thi chỉ có các chủ diều địa phương nhưng gần đây có sự tham gia của các câu lạc bộ diều đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lệ làng ở Bá Dương Nội quy định rõ, diều dự thi phải có sải cánh tối thiểu dài 2,2m, đeo từ 3 sáo trở lên, diều thắng là diều lên cao và đứng im nhất. Diều của các em thiếu nhi nhỏ hơn, không bắt buộc gắn sáo nhưng đều có kích thước hơn 1m và được thiết kế theo hình thoi.

Những cánh diều sáo của làng Bá Dương Nội từng tham gia nhiều lễ hội thả diều lớn như: Lễ hội thả diều 1000 năm Thăng Long Hà Nội; Lễ hội diều Festival Huế, Festival diều quốc tế Vũng Tàu; Festival diều quốc tế tại các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Pháp...

Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội cũng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa phi vật thể từ năm 2004.

TIN LIÊN QUAN