Ngày 8/4, người dân hai làng Văn Giang và Nam Dương ở Hà Nội trang trọng đón nhận Quyết định ghi danh Lễ hội truyền thống Hội làng Văn Giang - Nam Dương vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, ngày 9/4/2024, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 953/QĐ-BVHTTDL, đưa Lễ hội truyền thống Hội làng Văn Giang - Nam Dương vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội truyền thống Hội làng Văn Giang - Nam Dương là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, có lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân hai địa phương.
Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội truyền thống Hội làng Văn Giang - Nam Dương. Ảnh: KTĐT
Nhắc đến tích “hẹn ước” giữa hai làng Nam Dương (thuộc xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa) và Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) cho đến nay vẫn có nhiều dị bản lưu truyền song câu chuyện cùng nhau vượt qua hoạn nạn, chống lại nạn cướp bóc vẫn được nhắc đến nhiều hơn cả.
Theo đó, thuở xưa Nam Dương và Văn Giang đều là những làng cùng quần tụ ven sông Đáy; cuộc sống yên bình, thuận hòa thì một ngày nạn cướp bóc tràn về.
Giặc cướp hoành hành, tàn phá nhà cửa, cướp của cải, lợn, gà, trâu bò của dân. Những người đứng đầu của làng Nam Dương ra đình đánh trống kêu cứu. Bên kia sông, người làng Văn Giang nghe tiếng trống đã dùng thuyền bè vượt sông sang cứu trợ đánh lui bọn giặc cướp.
Lễ hội làng Văn Giang - Nam Dương phát tích từ lời thề ước của cha ông từ ngàn xưa, cứ cách quãng 3 năm lễ hội giữa hai làng ven sông Đáy lại nhộn nhịp diễn ra. Mỗi mùa hội lại một làng đăng cai tổ chức chính, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham dự.
Phần chính hội thường diễn ra vào ngày 12 tháng Ba âm lịch, song trước đó nhiều hôm, người dân hai làng đã cùng nhau tập dượt các nghi lễ, chuẩn bị trầu cau, rượu gạo, dựng rạp, quét dọn cửa nhà…
Đến ngày hội, nghi lễ tế thủy thần và đọc khoán ước trên sông là một trong những nét độc đáo nhất ở lễ hội này.
Lễ hội làng Văn Giang - Nam Dương không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc, mà còn là dịp để cộng đồng tưởng nhớ tổ tiên, tri ân tiền nhân khai khẩn, dựng làng, lập ấp; đồng thời, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình đoàn kết xóm làng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.