Lễ hội chùa Keo mùa thu tỉnh Thái Bình: Trở về miền đất Phật linh thiêng

(CL&CS) - Với mong muốn nâng tầm các giá trị văn hóa, lịch sử, tạo điểm nhấn nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, năm nay, huyện Vũ Thư (Thái Bình) hướng đến tổ chức lễ hội văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Nhân dân về với Lễ hội chùa Keo mùa thu là trở về miền đất Phật linh thiêng gắn với vị Thiền sư Dương Không Lộ, người có công xây dựng chùa.

Ngôi chùa gần 400 năm tuổi

Chùa Keo tọa lạc tại khu vực chân đê sông Hồng, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Trải qua gần 400 năm, ngôi chùa vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo, nhuốm màu cổ kính. Theo Cục Di sản Văn hóa, chùa Keo được xây dựng vào năm 1632 và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Đến năm 2017, lễ hội chùa Keo được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự) không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là chứng nhân cho bề dày lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt, ngôi chùa này không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai đam mê khám phá và trân trọng nghệ thuật cổ xưa.

Ngôi chùa cổ có gác chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam

Trải qua khoảng 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Hiện nay, chùa Keo có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông...

Chùa Keo cũng thờ Phật như bao ngôi chùa khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhưng do quá trình hình thành và phát triển lịch sử làng xã, chùa thờ tự theo nghi thức “tiền Phật, hậu Thánh” – tức ngoài thờ Phật, còn thờ Thánh và những người có công với dân làng. Vị Thánh được thờ ở đây là Dương Không Lộ, là nhà sư thời Lý nổi tiếng uyên thâm Phật Pháp (Tiền Phật, hậu Thánh ). Chùa có ban thờ tự những người góp công lớn xây chùa như: Nguyễn Văn Tru, Trịnh Thị Ngọc Lễ, Trần Thị Ngọc Duyên, Hoàng Nhân Dũng, Lê Hồng Quốc.

Ngôi chùa mang hồn cổ kính, từ bậc cửa, hành lang, cho đến dãy hàng lang hun hút

Quang cảnh chùa Keo rất đẹp, đẹp ngay từ cổng chùa cho tới mái đình Nghing Phong nằm phía trước hồ nước như minh đường trước chùa. Chia cổng tam quan làm hai phần: tam quan ngoại trước hồ, còn tam quan nội phía sau hồ là đường dẫn vào chùa.

Chùa Keo là một trong số những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Thời gian đã phủ lên chùa Keo một vẻ đẹp cổ kính, rêu phong, nhưng không kém phần gần gũi và an bình. Chùa không chỉ là điểm đến linh thiêng của người dân địa phương mà còn thu hút du khách từ khắp nơi.

Chùa theo kiến trúc cổ kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, bên trong là chữ Công, bên ngoài là chữ Quốc - lối kiến trúc phổ biến của dinh thự, đền chùa miếu mạo thời vua Lê Trung Hưng năm 1632. Tên chính thức chùa là Thần Quang Tự nhưng phần lớn mọi người đều gọi là chùa Keo hay chùa Keo trên để phân biệt với chùa Keo dưới nằm bên phía Nam Định hữu ngạn sông Thái Bình.

Không gian trong chùa thêm linh thiêng huyền bí

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo có hai lần hội chính một năm. Hội mùa Xuân ngay mùng 4 tết và hội mùa Thu dịp rằm tháng chín là lễ hội tưởng nhớ Thiền Sư Không Lộ, người sinh ra từ làng Keo và có công xây dựng chùa Keo từ thời thế kỷ 11. 

Du khách có thể ghé thăm chùa Keo vào bất cứ thời điểm nào trong năm để cầu nguyện may mắn, an lành, tài lộc cho bản thân và gia đình. Đặc biệt là trong các dịp Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan… chùa cũng tổ chức nhiều hoạt động mang đậm nét đẹp Phật giáo như: thả cá, thả chim phóng sinh, giảng đạo, hát giao duyên, múa rối nước, thả hoa đăng, liên hoan chèo…

Lễ hội độc đáo, ấn tượng, tái hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt cổ từ ngàn đời xưa của người dân 

Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm nay diễn ra từ ngày 12-19/10 (tức ngày 10-17/9 Âm lịch). Trong phần lễ, bên cạnh các nghi thức tế lễ cổ truyền như: Lễ khai chỉ, lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh còn có những nghi thức được phục dựng, bảo lưu như múa rối hầu Thánh, hầu đồng.

Nghi thức rước kiệu Đức Thánh

Nổi bật nhất là nghi thức rước kiệu Đức Thánh diễn ra vào 3 ngày 13, 14, 15 âm lịch. Đây là nghi lễ được tổ chức kỳ công, hoành tráng nhất trong các lễ hội của vùng châu thổ Bắc Bộ. Nghi lễ nhằm tái hiện lại cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài.

Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa

Theo chia sẻ của những bậc cao niên làng Keo, đã gần 400 năm, lễ rước Đức Thánh Dương Không Lộ trong lễ hội chùa Keo mùa thu vẫn được giữ nguyên bản. Chẳng thế mà “Dù cho cha đánh mẹ treo/Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm” là những câu ca đã gắn liền với lễ hội chùa Keo mùa thu, cho thấy sức hút, nét độc đáo của lễ hội truyền thống nơi đây.

Trong phần hội có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc như: du thuyền hát hội, giao lưu các câu lạc bộ chèo, biểu diễn múa rối nước, têm trầu cánh phượng, múa chèo trải cạn, sanh tiền mõ lộn, bắt vịt dưới hồ, võ cổ truyền…

Nhiều hoạt động được Ban tổ chức chú trọng triển khai từ sớm như công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tuyên truyền, khánh tiết...Để có không gian thông thoáng, thuận tiện cho du khách tham quan, chiêm bái, dự các hoạt động của lễ hội, Ban tổ chức đã bố trí khu vực bán hàng ra ngoài khuôn viên di tích.

Du khách có thể mua sắm, trải nghiệm các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, không gian ẩm thực của các địa phương trong và ngoài tỉnh tại 130 gian hàng. Các hộ kinh doanh dịch vụ hàng quán đã ký cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức phun khử khuẩn. Phát huy các giá trị truyền thống, nhiều hoạt động trong lễ hội được thực hiện theo nghi thức cổ truyền, một số hoạt động phần hội được đổi mới để tạo niềm hứng khởi cho du khách.

 Từng bước đưa di tích thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh của tỉnh Thái Bình

Thông tin với báo chí, Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội, cho biết, từ xa xưa, Vũ Thư đã nổi danh là vùng quê văn hiến. Các thế hệ tiền nhân không ngừng sáng tạo, phát tâm khởi dựng và để lại mảnh đất này đậm đặc những quần thể công trình, thắng tích, danh lam.

 Những năm qua, nhờ nỗ lực của các đơn vị, địa phương Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Keo được bảo tồn nguyên vẹn, khuôn viên chùa được đầu tư, tu bổ khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. Việc quy hoạch chùa Keo thời gian tới được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, từng bước đưa di tích thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh của tỉnh Thái Bình và đồng bằng sông Hồng.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, nhiều hoạt động trong lễ hội được thực hiện theo nghi thức cổ truyền, một số hoạt động phần hội được đổi mới để tạo niềm hứng khởi cho du khách. Ban tổ chức mong muốn giới thiệu tới du khách các giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo cùng vẻ đẹp về mảnh đất, con người Vũ Thư trong tiến trình đổi mới, hội nhập, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Đạo Phật dẫn đường đến sự giác ngộ, giúp ta thoát khỏi khổ đau và có cuộc sống tươi đẹp hơn. Đó là con đường của lòng từ bi và tình thương, giúp ta trở nên nhân từ và đạo đức hơn. Chùa Keo và lễ hội chùa Keo là điểm đến văn hóa tâm linh trên miền quê lúa Thái Bình.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của mỗi người dân, những nghi thức tế lễ độc đáo riêng có như lễ rước Đức Thánh tại lễ hội chùa Keo ngày càng được chung tay gìn giữ, qua đó không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần mà còn là điểm hẹn của du khách thập phương mong muốn được tìm hiểu, khám phá mảnh đất, con người nơi đây.

TIN LIÊN QUAN