Lãnh đạo OCB: 30 năm làm ngành ngân hàng chưa bao giờ gặp trường hợp như chị Nguyễn Phương Hằng

(CL&CS) - Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết: "Sự kiện bà Nguyễn Phương Hằng đúng là trong 30 năm làm ngành ngân hàng tôi chưa bao giờ gặp rủi ro kiểu vậy".

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tổ chức vào 23/4 tại TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tùng còn cho biết thêm: Các khoản nợ của nhóm công ty Đại Nam (Đại Nam) không đáng lo, tất cả đều có sổ đỏ. Ảnh: Đỗ Phượng.

Bản thân ông Huỳnh Uy Dũng (chồng của bà Nguyễn Phương Hằng, chủ sở hữu Đại Nam) đang cố gắng giải quyết nợ cho ngân hàng. Đại Nam đã trả 450 tỷ đồng trên tổng dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty đang tiến hành bán tài sản cho các chủ đầu tư khác, số tiền có thể thu được 2 tháng tới là 4.500 tỷ đồng, dư khả năng trả nợ cho OCB và các ngân hàng khác. Chắc chắn, Đại Nam không phải là vấn đề lớn của OCB.

Vấn đề quan tâm lớn của cổ đông trước khoản vay của nhóm công ty FLC, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, sự việc của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, đã bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán - PV) là vấn đề cá nhân.

Tập đoàn FLC là tập đoàn có nhiều dự án bất động sản triển khai ấn tượng ở Quảng Ninh, Quy Nhơn, Thanh Hóa. Định hướng phát triển của OCB là đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ. Thời gian qua, ngoài FLC, ngân hàng cũng cho vay các chủ đầu tư bất động sản khác như Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land. Việc Vingroup và Techcombank dạy cho ngành hàng bài học bán hàng.

Đối với Tập đoàn FLC, OCB cho vay 1.500 tỷ đồng cho 2 dự án Tropical 1, 2 ở Quảng Ninh. Hiện dự án vẫn triển khai. OCB cho vay dựa trên dự án cụ thể, có đủ điều kiện pháp lý, cho vay khi hoàn tất giải phóng mặt bằng. Khi cho Tập đoàn FLC vay vốn, OCB làm chặt chẽ, đúng mục đích, có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo bằng bất động sản là đất đai có sổ đỏ với giá trị trên 2.000 tỷ đồng chứ không phải sản phẩm hình thành trong tương lai.

Về giải ngân, dự án Tropical 2 được OCB cho vay 400 tỷ đồng. Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn dựa trên khối lượng thực tế triển khai, hiện ngân hàng giải ngân cho dự án này mới 200 tỷ đồng.

Trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết vi phạm pháp luật, các nghĩa vụ gốc lãi của Tập đoàn FLC thực hiện nghiêm túc, chưa chậm bao giờ. Trong hệ thống ngân hàng, Tập đoàn FLC chưa bị chuyển nhóm nợ.

Hiện nay, OCB đang thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát dòng tiền, tăng thu nợ. Số hàng hóa Tập đoàn FLC đã bán, khách hàng đang chuyển tiền về 2.400 tỷ đồng, chưa nói tới tài sản đảm bảo thì Tập đoàn FLC đủ khả năng trả nợ 1.500 tỷ đồng cho OCB.

Bamboo Airways vay 1.000 tỷ đồng, thế chấp bằng bất động sản. Hiện OCB và Bamboo Airways đang thương thảo thu hồi nợ sớm.

Ngoài ra, OCB đang tạo điều kiện cho Tập đoàn FLC triển khai kinh doanh. Tương tự, Bamboo Airways nếu hoạt động tốt thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.

Sự kiện FLC là nghiêm trọng nhưng ngân hàng đã làm đúng ngay từ đầu, chưa xác định tổn thất. Ngân hàng Nhà nước đang giám sắt chặt chẽ, OCB báo cáo từng khoản vay, Ngân hàng Nhà nước cũng tạo điều kiện cho ngân hàng xử lý các khoản tín dụng. Việc vi phạm pháp luật có tính chất cá nhân, Tập đoàn FLC dù khó khăn nhưng cũng đang hợp tác với ngân hàng. Kế hoạch thu nợ khả thi. OCB tin nhiều khả năng ngay trong tháng này dư nợ từ FLC giảm.

Về việc hạn chế cho vay bất động sản, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, chủ trương của Nhà nước là hạn chế về cho vay kinh doanh bất động sản, còn đáp ứng các nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn được khuyến khích, OCB cũng mở rộng theo hướng này thông qua sản phẩm mới Dreamhome.

Về đầu tư chứng khoán tăng như cổ đông phản ánh, đó là đầu tư trái phiếu Chính phủ chứ không phải cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thông thường như cổ đông nghĩ.

TIN LIÊN QUAN