PV: Thưa ông Sơn, theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình của làng văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng, mái bị mục nát, bị bay mất nóc hay tường trở thành nơi ở của mối, xin ông cho biết lý do vì sao lại có sự xuống cấp nghiêm trọng như thế này?
Ông Nguyễn Thanh Sơn:
Do đặc tính của vật liệu xây dựng nhà cổ của các dân tộc là vật liệu truyền thống như gỗ, tranh, tre, nứa lá nên khi tạo dựng ngôi nhà cũng tuân thủ các vật liệu đó. Tuy nhiên, những vật liệu này chịu tác động mạnh của các yếu tố như thời tiết mưa, nắng ảnh hưởng đến độ bền, độ lâu dài của nó. Trên thực tế, các công trình được thực hiện có điều kiện thời tiết khác với các vùng dân tộc như vùng núi cao, vùng thung lũng. Ở mỗi vùng dân tộc, kết cấu nhà của họ sẽ phù hợp với từng điều kiện thời tiết, khi tái dựng đem về làng văn hóa vẫn phải xây dựng theo mô hình đó, song điều kiện tự nhiên ở đây lại không phù hợp, bởi vậy khi xây dựng tại đây phải gia cố thêm dây cáp để tránh các điều kiện mưa giông, gió lốc.
Vật liệu truyền thống có các quy trình duy tu bảo dưỡng, cụ thể như mái tranh 5 năm phải thay một lần, vì thế đến đúng thời hạn chúng tôi sẽ làm các thủ tục để thay thế và ưu tiên những bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu của ngôi nhà để đảm bảo ngôi nhà giữ nguyên trạng được kết cấu.
Cảnh sinh hoạt hiếm hoi của nhà Thái trong 54 dân tộc tại làng |
Vậy với những bức tượng gỗ nứt nẻ, mục rỗng được đặt ở gần nhà của người Tây Nguyên ông lý giải như thế nào ạ?
Như các bạn đã biết, với các điêu khắc của bà con Tây Nguyên, bình thường khi bà con làm điêu khắc thường chọn loại gỗ bền, tượng đã để ngoài trời hầu hết đều trong tình trạng nứt nẻ, bởi đó là không gian thuộc về người chết. Sau khi làm lễ bỏ mạng, người ta coi như đã quên người chết rồi và họ không được phép chăm sóc , đây là nghệ thuật điêu khắc gắn với tượng nhà mồ. Khi chúng tôi cho nghệ nhân đến điêu khắc, các già làng không cho phép tượng quay mặt vào nhà dài vì sợ nó ám vào nhà dài. Vì thế với các điêu khắc gỗ bị nứt do nó được đặt ở ngoài trời trong khoảng thời gian khá lâu.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại số đồng bào dân tộc đến sinh hoạt lâu dài tại làng khá ít, vậy làng có kế hoạch vận động nào để bà con dân tộc đem bản sắc văn hóa của dân tộc mình xuống làng hay không?
Hiện nay, tại làng văn hóa có có 5 cộng đồng đang sinh hoạt tại làng, trong kế hoạch Bộ VH-TT&DL giao cho Làng thì trong năm nay vận động 8 cộng đồng, từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ vận động 3 cộng đồng còn lại sau đó qua quá trình hoạt động thí điểm sẽ báo cáo cơ chế vận động luân phiên cho bà con dân tộc lên đây sinh hoạt.
Khi bà con về đây, họ thực sự coi nơi đây là ngôi nhà của họ đây là sức mạnh tạo ra khối đại đoàn kết. Hầu hết già làng, trưởng bản, nghệ nhân xuống đây sinh hoạt đều được chúng tôi trao đổi với địa phương để có cơ chế luân phiên, để khi họ về sẽ trở thành tuyên truyền viên lan truyền ý nghĩa bảo vệ và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng bào dân tộc sẽ tham gia tực tiếp vào quá tình chăm sóc ngôi nhà, song việc huy động tất cả bà con dân tộc về đây phải có cơ chế, chính sách do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Vừa qua, bản quản lý chỉ đạo làng văn hóa các dân tộc có đề xuất Bộ VH-TT&DL báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng cơ chế mời đồng bào dân tộc về đây sinh hoạt. Bà con trước khi ra khỏi địa phương lâu dài phải có cơ chế, hiện tại chúng tôi đang làm thí điểm các dân tộc Mường, Thái, Khơ mú, Ê-đê, Khơ-me, đều là những dân tộc chọn từ các vùng miền để về làm thí điểm, làm thế nào để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đó, chúng tôi sẽ làm báo cáo trình cấp trên để kêu gọi bà con dân tộc về sinh hoạt. Hiện tại, chúng tôi đang hoạt động cục bộ, chưa được hoàn thành.
Với các công trình đã xuống cấp, cụ thể đến thời gian nào làng văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ có kế hoạch sửa chữa?
Nguồn vốn của Làng có hạn và chúng tôi chỉ được cấp vốn hoạt động thường xuyên nên phải lấy từ nguồn vốn này để duy tu, bảo dưỡng. Vừa qua, toàn bộ những ngôi nhà hư hỏng đã được chúng tôi rà soát và lập hồ sơ để tiến hành duy tu, bảo dưỡng xếp theo thứ tự ưu tiên, hệ thống mái được ưu tiên số 1 sau đó đến vách, thân…
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép kéo dài dự án đến năm 2019 và các bộ ngành đang phối hợp triển khai hiện tại chúng tôi đang cố gắng tiếp nhận đến đâu thì khắc phục hậu quả đến đó.
Đối với làng văn hóa, bên cạnh 3 hoạt động chính là: Ngày hội văn hóa các dân tộc VN, Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc - di sản văn hóa VN, Sắc xuân trên mọi miền đất nước... Ban lãnh đạo đã xây dựng các hoạt động chuyên đề hàng tháng và triển khai thực hiện với số liệu đáng mừng là trong 4 tháng đầu năm 2016 chúng tôi đón gần 210 nghìn lượt du khách đến Làng, riêng tháng 4 là hơn 100 nghìn lượt khách.
Làng văn hóa chỉ có nhiệm vụ sau khi được nhận bàn giao thì sẽ nhận để quản lý sử dụng và đưa vào hoạt động, còn những công trình đang xây dựng không nằm trong phạm vi quản lý của chúng tôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hoàng Nhung - Huyền Cao (thực hiện)