Trong gần 3 năm qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 3,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 940 triệu USD; xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 705 triệu USD.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình xuất nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 3.100 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 940 triệu USD, nhập khẩu đạt 2.160 triệu USD.
Sáng 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị giao thương, nhằm thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường.
Từ ngày 08/01/2023, phía Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu được điều chỉnh, khôi phục.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, duy trì thông quan hàng hóa tại 05 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng).
Hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu cơ bản được thông quan trong ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tháng 01/2023 đạt 250 triệu USD, đạt 6,6% kế hoạch, tăng 108,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 100 triệu USD, đạt 7,7% kế hoạch, tăng 150% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 150 triệu USD, đạt 6% kế hoạch, tăng 87,5% so với cùng kỳ. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 01/2023, trước thời điểm Tết Nguyên đán đến nay đạt 900 - 1000 xe/ngày, có ngày cao điểm thông quan lên tới trên 1.100 xe/ngày, trong đó có 400 - 450 xe xuất/ngày và 500 - 550 xe nhập/ngày.
Hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn, chủ yếu là mặt hàng hoa quả, nông sản, trung bình chiếm khoảng 80% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là các loại quả: Thanh Long, Xoài, Mít, Vải, Dưa hấu, Chuối; các loại nông sản khô như: Thạch đen, tinh bột sắn,... Mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu có phát sinh nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng giá trị kim ngạch hàng hoá xuất khẩu qua địa bàn.
Ông Thiệu chỉ ra khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.
Ngoài ra, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.
Trong những năm qua, UBND tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, sớm đưa các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong khu kinh tế cửa khẩu vào hoạt động.
Một số các dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và trong phát triển kinh tế cửa khẩu nói riêng như dự án Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B, dự án Khu trung chuyển hàng hóa, Khu phi thuế quan giai đoạn I... và nhiều dự án bến bãi, kho hàng tại các khu vực cửa khẩu.
Trong đó, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh từ ngày 21/02/2022.
Đến nay Nền tảng cửa khẩu số đã hoạt động ổn định, các doanh nghiệp, thương nhân đã thành thạo khai báo thông tin trực tuyến; thời gian khai báo thông tin của doanh nghiệp từ 2 đến 5 phút; 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu và toàn bộ quá trình thông quan được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số (bao gồm cả xe nhập và xe xuất).
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư… theo hướng đơn giản, hiện đại, có sự phối hợp và liên kết bằng công nghệ thông tin giữa cơ quan quản lý tương ứng của Việt Nam và Trung Quốc.
Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian 02 năm (2022 - 2023); triển khai điều tiết phương tiện linh hoạt, đảm bảo giữa phòng, chống COVID-19 gắn với thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xuất nhập cảnh. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng Biên phòng, Công an, Hải quan và giữa các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu hai nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả.