Chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”
Hiện nay, từng ngày từng giờ, người dân Việt Nam đang phải thường xuyên đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng các thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng năm nay, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh của người dùng Internet về trường hợp lừa đảo trực tuyến, có tới 125.330 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức tại Việt Nam để lừa đảo.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Để tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin tổ chức triển khai Chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024” trong thời gian từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024. Đối tượng tuyên truyền là học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Cục An toàn thông tin đã sản xuất các sản phẩm tuyên truyền và đăng tải, chia sẻ trên cổng khonggianmang.vn như: Tài liệu, ấn phẩm, video, clip, poster, Infographic, tờ rơi, tờ gấp,… phục vụ công tác tuyên truyền tới mọi đối tượng.
“Khi người dân, những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày,” Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức phòng tránh - chủ động ứng phó với các nguy cơ
Mỗi người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cần nâng cao nhận thức phòng tránh - chủ động ứng phó với các nguy cơ lừa đảo thông qua môi trường internet
Những năm vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng an toàn cơ bản trên không gian mạng cho người dân. Trong đó, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Mục tiêu là giúp mỗi người sử dụng mạng internet có nhận thức đầy đủ hệ thống các quy định về an toàn thông tin mạng, các hoạt động trên mạng xã hội, nhất là những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018. Từ đó có kĩ năng an toàn, ứng xử văn minh khi bước vào không gian mạng.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền về các kênh chính thức của doanh nghiệp viễn thông di động trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, phát hành “Sổ tay phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng” để tuyên truyền đến 15.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Bắc Kạn; đăng tải, chia sẻ các bài viết âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm trên không gian mạng đến toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, điểm nhấn năm 2024 là tỉnh đã hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho 100% hệ thống, theo đúng chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng so với năm 2023 17%. Toàn tỉnh không để xảy ra các sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng.
Trong thời gian vừa qua, các sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, lửa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Do nhận thức chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người dân bị lừa đảo thông qua sử dụng mạng internet.
Để không mắc bẫy lừa đảo từ các đối tượng xấu, mọi người cần cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.
Đặc biệt, các giấy tờ như Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát tuyệt đối không được cho mượn hay mua bán. Khi có người lạ gọi đến, bạn cần giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin về tài khoản ngân hàng...
Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản mạng xã hội. Mọi người cần cẩn thận, không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể là của người thân, bạn bè.
Ngoài ra, mọi người không nên truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.
An toàn trên không gian mạng được củng cố khi mỗi một người dân thực sự là một công dân số, được trang bị kiến thức để cảnh giác trước các thông tin độc hại, có ý thức ứng xử văn minh trong mọi bối cảnh giao tiếp./.