Nhiều dạng tín dụng đen
Hiện nay có một số loại vay tín dụng đen phổ biến như: Vay tiền gộp (vay bát), nghĩa là vay ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hằng ngày, vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, sau đó có thể thỏa thuận gia hạn thêm. Một loại cho vay khác là cho vay mua xổ số (hay đề đóm), khi con nợ không có khả năng trả thì ép viết giấy nợ, tính lãi cao, sau đó ép phải chuyển nhượng nhà cửa, tài sản để trừ nợ… Ngoài ra, hiện nay cũng xuất hiện một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động với lãi suất được tính trung bình từ 146-547,5%/năm, cá biệt có vụ lãi suất lên tới 1.095%/năm, cao gấp nhiều lần mức lãi suất tối đa 20%/năm theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: Cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính... Các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) và thường đưa ra các hình thức để thu hút vốn từ người dân như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao.
Hệ quả của tín dụng đen về phía người đi vay là sự gia tăng chóng mặt của món nợ phải trả tích cóp theo thời gian do “lãi mẹ đẻ lãi con” và viễn cảnh phá sản, bị siết nợ luôn treo lơ lửng trên đầu… Tín dụng đen còn kéo theo nguy cơ gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tan cửa nát nhà”. Nhiều trường hợp do không trả được tiền vay, người vay tiền bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.
Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hoạt động tín dụng đen
Thực tế, không phải ai cũng có thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ngân hàng bởi những điều kiện rất chặt chẽ. Trong khi tín dụng đen có lãi suất cho vay cao nhưng thủ tục thì vô cùng đơn giản. Khách hàng của các hoạt động tín dụng đen đa dạng, từ những chủ cửa hàng lớn, đến người “cùng quá hóa quẫn”, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện, miễn có tiền giải quyết nhu cầu nóng và thường không nhận thức được mối nguy hiểm từ tín dụng đen.
Một số bị hại trong quá trình vay mượn thường giấu thông tin, thậm chí không hợp tác với cơ quan chức năng hoặc bị các đối tượng đe dọa khống chế nên không dám tố giác, trình báo do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính… Khi cơ quan công an phát hiện thì sự việc xảy ra đã quá lâu, kéo dài nên chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Ảnh minh họa |
Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật gây khó khăn cho công tác đấu tranh với loại tội phạm này, như: Thời hạn điều tra ngắn, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cũng gặp nhiều khó khăn vì theo quy định của BLHS thì đây chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng; nhận thức chưa thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương về số tiền “thu lời bất chính”...
Trình độ chuyên môn của điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tiễn việc xử lý hình sự đối với loại tội này chưa nhiều, do đó quá trình điều tra xử lý cũng còn lúng túng, chưa chủ động. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho việc điều tra vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ.
Một số giải pháp
Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Trước hết, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, cảnh tỉnh người dân biết về những hệ quả của “tín dụng đen”; tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn sử dụng vốn an toàn, thủ đoạn liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền cơ sở và các ngành liên quan trong quản lý cấp phép kinh doanh cho các loại hình dịch vụ mà “tín dụng đen” núp bóng. Đồng thời, cần đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân bằng việc mở rộng các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; từ đó lập chuyên án tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê…
Anh Trinh (Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao)