Làm gì khi cuộc phỏng vấn không như ý muốn?

(NTD) - Trải qua một nửa thời gian của cuộc phỏng vấn mà bạn cảm thấy nhà tuyển dụng không còn hào hứng và cuộc hội thoại đang đi vào ngõ cụt. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink.vn - Trang web Tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam cho rằng ứng viên cần phải linh hoạt, tự tin xoay chuyển tình thế khi cuộc phỏng vấn diễn biến theo chiều hướng không như ý muốn. Tham khảo thông tin tuyển dụng nhanh nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh.

 Không bao giờ là quá muộn

Bất cứ thời điểm nào trong buổi phỏng vấn, bạn đều có thể mắc sai lầm, từ việc đến muộn, quên mang theo hồ sơ hoặc trả lời sai về công ty. Việc nhận ra sai lầm không bao giờ là quá muộn, nó giúp bạn có những điều chỉnh hợp lý để tự tạo thêm cơ hội cho bản thân mình. Chứ đừng vì ngại ngùng hoặc sợ sai mà không dám nêu ý kiến của mình. Muộn còn hơn không mà.

 

 Giữ bình tĩnh

Nếu cảm thấy nhà tuyển dụng chán nản, không muốn tiếp tục cuộc phỏng vấn thì điều trước tiên bạn phải làm là giữ được sự bình tĩnh và thái độ tự tin. Đừng vì thấy mất hi vọng mà buông xuôi, chán chường và càng mắc thêm sai lầm. Những lúc như vậy, hãy hít một hơi thật sâu, điều chỉnh lại tâm trạng và mang đến điều mới mẻ cho buổi nói chuyện của bạn. Có thể chính sự thay đổi này sẽ cứu nguy cho bản thân một bàn thua trông thấy.

Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Bạn hoàn toàn có thể lật ngược lại thế cờ, thay đổi không khí bằng cách chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện niềm hứng thú với công việc cũng như xác định bạn có thực sự phù hợp với vị trí hay không. Việc này sẽ khiến buổi phỏng vấn trở nên nhẹ nhàng hơn, giống như một buổi nói chuyện thân mật chứ không phải là một bài kiểm tra căng thẳng hay quá áp lực. Hãy biết cách chọn lọc và đặt ra câu hỏi thông minh để thể hiện sự hiểu biết rõ về công ty và ghi điểm với người phỏng vấn.

Khen ngợi công ty và nhà tuyển dụng

Nếu bạn thấy không khí của buổi phỏng vấn bị trùng xuống, hãy dành một lời khen cho công ty bởi điều này chứng tỏ bạn thực sự nghiêm túc khi ứng tuyển. Tuy nhiên, nhớ là chỉ nên đưa ra những lời khen chung chung chứ đừng tập trung vào khen ngợi quần áo, thời trang của người phỏng vấn. Những lời nói sáo rỗng, không liên quan đến công việc sẽ khiến bạn để lại ấn tượng xấu cho nhà tuyển dụng.

Xin lỗi về những sai lầm

Có thể thái độ bạn nhận được từ nhà tuyển dụng bắt nguồn từ chính sai lầm của bạn trong suốt thời gian phỏng vấn. Bạn hoàn toàn có thể nói lời xin lỗi một cách lịch sự, đừng nên quá sợ hãi mà trở nên mất bình tĩnh. Nếu bạn mạnh dạn nhận lỗi chân thành như “Xin lỗi, trong buổi phỏng vấn này, không biết rằng tôi có làm điều gì khiến anh/ chị không hài lòng hay không?” thì người phỏng vấn chắc chắn sẽ ấn tượng với cách hành xử đó, nhất là khi bạn không hề tìm cách che giấu hay viện cớ để thoái thác sai lầm. Ngoài ra, cũng đừng quên đề cập những gì bạn học được từ sai lầm của mình. Điều đó sẽ giúp bạn có thêm điểm cộng từ nhà tuyển dụng đấy.

Viết thư cám ơn

Sau buổi phỏng vấn, dù kết quả thế nào thì bạn cũng nên gửi thư cảm ơn người phỏng vấn đã quan tâm đến hồ sơ của bạn và dành thời gian quý báu của họ cho buổi phỏng vấn, cũng như bày tỏ mong muốn được làm việc với công ty. Việc này có thể cho thấy bạn hoàn toàn chủ động trong công việc, biết cách cư xử. Mẫu nhân viên như vậy sẽ được các công ty coi trọng và giúp bạn dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn. Còn nếu bạn vẫn không được tuyển dụng thì cũng đừng đánh mất niềm tin. Việc gửi thư cảm ơn sẽ tạo ấn tượng tốt về bạn đối với người tuyển dụng và biết đâu bạn sẽ nhận được những công việc khác trong tương lai thì sao.

 Phỏng vấn không phải một cuộc tra hỏi mà là một cuộc đối thoại giữa hai hay nhiều người. Với những bí quyết trên, bạn sẽ từng bước tiến gần đến mục tiêu, đó là một buổi phỏng vấn thành công. Chúc bạn may mắn và có được công việc như ý.

Phương Thảo

Nên đọc