Lái xe có cồn và thông tin nhầm lẫn

(NTD) - Trong bối cảnh nhiều kẻ say gây ra hàng loạt tai nạn giao thông thảm khốc thì những thông tin chưa đúng về quyết tâm xử lý hành vi lái xe khi đã uống rượu bia đã bùng lên những luồng dư luận phản ứng. Tuy nhiên, sự thật có phải như vậy?

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội về các phương án cho phép có nồng độ cồn hay không khi điều khiển phương tiện giao thông được công bố, dư luận đã phản đối dữ dội... vì hiểu rằng “Quốc hội cho phép lái xe vẫn được uống rượu bia”!

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định ngay trong phiên họp sáng ngày 5/6: “Dư luận hiểu nhầm Quốc hội chưa muốn xử lý đối với hành vi lái xe khi uống rượu bia”. Bà nói: “Tôi xin báo cáo, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, cơ quan soạn thảo muốn thu hút các quy định về sử dụng rượu bia vào luật này. Trong quá trình đó có nhiều ý kiến khác nhau, do đó ngày hôm qua, Quốc hội xin ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thông qua, chứ không phải biểu quyết thông qua”.

Trên thực tế, trước khi dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia được trình lên Quốc hội thì đã có nhiều luật, nghị định khác điều chỉnh hành vi dùng chất có cồn khi tham gia giao thông. Đơn cử như Luật Giao thông Đường bộ không cho phép người lái ô tô có bất cứ tí nồng độ cồn nào trong người. Riêng điều khiển xe máy thì “vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít khí thở” đã bị xử phạt. Do đó dù có Luật Phòng chống tác hại rượu bia hay chưa thì luật pháp vẫn có chế tài khi tài xế có nồng độ cồn.

Một khi cả Quốc hội, Chính phủ lẫn bộ, ngành quản lý đã tỏ rõ việc siết chặt, đẩy mạnh phòng chống tệ nạn lái xe dùng rượu bia thì không lý do gì để “lái xe vẫn được uống rượu bia” ngày một dễ dãi hơn.

Pháp luật hiện hành có không ít quy định để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, đơn cử như Luật Giao thông Đường bộ, luật xử lý vi phạm hành chính và Chính phủ có Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Bên cạnh hệ thống luật pháp đang được hoàn thiện dần thì những đợt tuyên truyền cũng như nhận thức về hệ lụy và tác hại của rượu bia sau liên tiếp những vụ tai nạn giao thông thảm khốc cũng đang giúp ý thức người tham gia giao thông tốt hơn.

Tại phiên chất vấn chiều 4/6, trả lời đại biểu về quan điểm đối với tình trạng uống rượu bia gây tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: “Tôi tin rằng mọi người dân đều thấy nguy hiểm của việc uống rượu bia tham gia giao thông, gây tai nạn ảnh hưởng đến xã hội và chính bản thân tài xế”. Theo ông, nhiều vụ hết sức đau thương đã xảy ra “chỉ một cuộc vui, một chút quá chén” và “tới đây Chính phủ sẽ sửa Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm giao thông”.

Trả lời trước Quốc hội sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cũng cho biết GTVT đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó chú trọng tăng nặng hình phạt đối với người tham gia giao thông sử dụng rượu bia. Không chỉ vậy, lãnh đạo GTVT khẳng định trước Quốc hội sẽ tăng cường kiểm tra việc sử dụng bia, rượu, chất kích thích với tài xế.

Một khi cả Quốc hội, Chính phủ lẫn bộ, ngành quản lý đã tỏ rõ siết chặt, đẩy mạnh phòng chống tệ nạn lái xe dùng rượu bia thì không lý do gì để “lái xe vẫn được uống rượu bia” ngày một dễ dãi hơn. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Thắng cho rằng: “Nhiều người đã hiểu nhầm khi nhìn hình ảnh về tỷ lệ bấm nút ‘đồng ý’, ‘không đồng ý’ chụp bảng điện tử ở Quốc hội. Tôi xin khẳng định không đại biểu nào ủng hộ uống rượu bia mà lái xe. Và thật ra nếu có ai trong thâm tâm ủng hộ rượu bia một cách cực đoan cũng không dại gì công khai việc này. Có lẽ không chỉ ông Thắng mà đa số đại biểu Quốc hội cùng người dân cũng đang chọn con đường đúng đắn: Nói không với rượu bia khi lái xe!

Phan Nguyễn

 
 
Nên đọc