Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như ACB, TCB có lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên còn thấp hơn các ngân hàng thương mại Nhà nước. |
Lãi suất tiền gửi giảm 30-40bps
Trong tuần qua, lãi suất tiền gửi được điều chỉnh giảm tiếp ở một số ngân hàng, trong đó 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) giảm 0,30-0,40%/năm (30-40bps) ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và giữ nguyên ở các kỳ hạn dài; một vài ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cùng giảm 20bps ở tất cả các kỳ hạn.
Hiện tại biểu lãi suất của Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đã ngang bằng nhau ở mức 3,5-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,1-4,3%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và 5,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại cổ phần hầu hết cao hơn ngân hàng thương mại Nhà nước khoảng 0,5-1,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn nhưng cá biệt có một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên còn thấp hơn các ngân hàng thương mại Nhà nước như ACB, TCB.
Diễn biến lãi suất trong tuần vừa qua phù hợp với dự báo của CTCP Chứng khoán SSI là lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp khoảng 50-70bps ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 20-50bps ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên trong 5 tháng cuối năm 2020.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn không thực hiện giao dịch trên thị trường mở nhưng tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng giảm nhẹ -2bps, chốt tuần ở mức 0,24%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,33%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Ngày 14/8/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 08/2020/TT-NHNN lùi 1 năm đối với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN (giảm từ mức 40% hiện tại xuống 37% từ 1/10/2021, 34% từ 1/10/2022 và 30% từ 1/10/2023). Nhờ vậy, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng các gói tín dụng trung và dài hạn cho các khách hàng.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng nhẹ
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 7.500 tỷ đồng ở kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm. Tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu lần lượt là 166% và 60% tổng lượng gọi thầu, tiếp tục xu hướng giảm so với phiên đấu thầu đầu tháng 8 dù lãi suất trúng thầu vẫn tăng thêm 3bps ở kỳ hạn 10 năm và 2bps ở kỳ hạn 15 năm. Kỳ hạn 5 năm sau 2 phiên trúng thầu liên tiếp với lãi suất giảm tổng cộng -4bps đã không gọi thầu thành công trong phiên đấu thầu vừa qua do vùng lãi suất đăng ký bật tăng trở lại ngang bằng mức cuối tháng 7.
Trong bối cảnh dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, CTCP Chứng khoán SSI duy trì quan điểm lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp và giữ xu hướng đi ngang.
Lợi tức trên thị trường thứ cấp gần như đi ngang, chỉ nhích tăng 1-2bps ở một số kỳ hạn. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,33%, +1 bp); 3 năm (0,81%; 0 bp); 5 năm (1,73%, +1 bp); 10 năm (2,90%, +2 bps); 15 năm (3,09%, +1 bp); 20 năm (3,37%, +1 bp); 30 năm (3,51%, +1bp). Thanh khoản tiếp tục sụt giảm với tổng giá trị giao dịch tuần là 39.600 tỷ đồng, -7% so với tuần trước.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 507 tỷ đồng nhưng lũy kế từ đầu năm đến nay vẫn mua ròng 2.650 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp.
Nguyễn Như