Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đi ngang

(CL&CS) - Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,35%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Cuối năm, lãi suất tiền gửi có thể giảm thêm

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không thực hiện giao dịch trên thị trường mở nhưng liên tục mua vào ngoại tệ trong 2 tuần trở lại đây, đồng nghĩa một lượng lớn tiền đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,35%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Từ đầu năm đến hết 28/7/2020, tín dụng chỉ tăng trưởng 3,45% (trong khi cùng kỳ 2019 là 7,31%). Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ, và các doanh nghiệp đang tiếp tục lao đao vì làn sóng dịch thứ 2, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5596/NHNN-VP yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.

Lãi suất tiền gửi sau các đợt giảm mạnh và đồng loạt trong tháng 6, 7 hiện đã chững lại ở mức 3,15 - 4,25%/năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng, 4,4 - 6,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 5 - 7,3%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, từ giờ đến cuối năm lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp khoảng 50 - 70 điểm cơ bản (bps) ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 20 - 30 bps ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp khoảng 50 - 70 bps ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 20 - 30 bps ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ giờ đến cuối năm

Nguồn cung USD dồi dào, VND ổn định

Tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã gần 22 triệu ca trong đó Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn là 3 ổ dịch lớn nhất. Tuy nhiên, tâm lý thị trường tuần qua được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực về vaccine của Nga và các số liệu vĩ mô tháng 7 của Mỹ (chỉ số CPI cao hơn kỳ vọng, số đơn trợ cấp thất nghiệp giảm).

Giá vàng hạ nhiệt, chốt tuần ở mức 1.945 USD/t oz, giảm 4,4% so với cuối tuần trước; đồng tiền trú ẩn JPY cũng giảm giá -0,64% so với USD. Chỉ số DXY giảm từ 93,4 xuống 93,1, hầu hết các đồng tiền đều tăng giá nhẹ so với USD.

Trong 2 tuần gần đây, các ngân hàng thương mại đã liên tục bán ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá USD/VND do các ngân hàng thương mại niêm yết và tỷ giá tự do đều đi ngang ở mức tương ứng là 23.060/23.270 và 23.170/23.200. Trong bối cảnh đồng USD yếu và cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm tăng nhẹ

Tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 8.250 tỷ đồng ở kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm. Các thành viên tham gia có phần kém tích cực hơn khi cả tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu đều giảm so với tuần trước đó (lần lượt là 193% và 75% so với mức 233% và 80,2%).

Có 6.201 tỷ đồng được phát hành ở cả 4 kỳ hạn gọi thầu. Lãi suất trúng thầu giảm -2bps ở kỳ hạn 5 năm, nhích tăng 2-3bps ở kỳ hạn 10 - 15 năm và không đổi ở kỳ hạn 30 năm.

Như vậy, trong nửa đầu quý 3/2020, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 70.700 tỷ đồng, tương đương 54,4% kế hoạch quý. Lãi suất phát hành tiếp tục giảm sâu ở kỳ hạn 5 năm nhưng đã quay đầu tăng ở các kỳ hạn 10 - 15 năm trong 2 phiên gần đây.

Tuy nhiên, Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp và giữ xu hướng đi ngang do lượng tiền đồng của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đang dư thừa khá lớn.

Lợi tức trên thị trường thứ cấp nhích tăng ở các kỳ hạn 5 năm trở lên. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (Y) (0,32%, -8 bp); 3Y (0,81%; +1 bp); 5Y (1,72%, +4 bps); 10Y (2,88%, +2 bps); 15Y (3,08%, +2 bps); 20Y (3,36%, +1 bps); 30Y (3,5%, +1bps).

Thanh khoản sụt giảm với tổng giá trị giao dịch tuần là 42.500 tỷ đồng, -14% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 489 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay vẫn mua ròng 3.160 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp.

 Như Nguyễn

Nên đọc