Kỷ luật đảng viên viết bình luận trên Facebook đúng hay sai?

(NTD) - Ông Trần Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng Cần Thơ vừa ký Quyết định số 252/QĐ-ĐUT ngày 15/2 về việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên Trần Tuấn Kiệt với mức kỷ luật “Khiển trách” đã gây chú ý dư luận. Vậy hình thức kỷ luật này đúng hay sai?

Chưa thuyết phục!

Theo văn bản nêu rõ, ông Kiệt đã vi phạm Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/12/2013 (về viết bài bình luận đăng Facebook có nội dung gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố). Tuy nhiên, Nghị định 174 lại là Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện chứ không có hình thức kỷ luật khiển trách. Do đó, việc kỷ luật một đảng viên căn cứ nội dung trên là chưa thuyết phục.

Mặt khác, trong điều 66 của Nghị định 174 cũng không thấy có quy định cụ thể nào về việc “viết bài bình luận đăng Facebook có nội dung gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố” như trong quyết định thi hành kỷ luật của Đảng ủy Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Quyết định kỷ luật...

Được biết, ông Kiệt trước đó đã tố cáo việc thăng chức cho Phó Hiệu trưởng của trường là không đúng quy trình. Sau đó, ông Kiệt đã đưa kết luận của UBND TP.Cần Thơ về lãnh đạo nhà trường lên mạng xã hội facebook bình luận.

Đảng viên có được phép phát ngôn trên facebook?

Có ý kiến nhận định rằng, ông Kiệt đã vi phạm quy định “19 điều đảng viên không được làm”. Đáng lẽ là một đảng viên, nhất là khi ông là Phó Bí thư chi bộ, ông Kiệt có quyền đưa vấn đề này ra cuộc họp để lấy ý kiến của nhiều đảng viên khác trong chi bộ để tập thể góp ý và thông qua. Sau khi có văn bản cuộc họp từ chi bộ, Chi ủy gửi văn bản này kiến nghị lên Đảng ủy giải quyết theo đúng trình tự.

Nếu Đảng ủy không giải quyết thấu đáo, là đảng viên ông Kiệt có quyền gửi đơn khiếu nại lên cấp ủy cao hơn cho đến khi thật sự thấu tình đạt lý. Đáng tiếc là ông Kiệt đã không thực hiện cách làm này mà lại phát ngôn công khai trên facebook gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng nói chung. Do hành động thiếu tổ chức kỷ luật của một đảng viên, cũng có ý kiến cho rằng vì ông vi phạm lần đầu thì chỉ nên ở mức nhắc nhở, nếu cố tình tái phạm sẽ tùy mức độ nặng nhẹ mà kỷ luật nghiêm hơn.

Lỗ hổng pháp luật   

Trước sự bùng nổ thông tin của hệ thống mạng xã hội như facebook, zalo, viber… gần đây xuất hiện tình trạng “bút chiến” dữ dội trên các trang mạng. Nhiều cá nhân, nhóm người đã dùng các phương tiện này để nói xấu, chửi bới nhau vô tội vạ…Thậm chí nhiều trang mạng từ nước ngoài hàng ngày tuyên truyền nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc sự thật… trong khi đó, luật pháp của ta dường như không theo kịp thực tế, chưa đề ra các luật định và các điều khoản cụ thể để xử lý các vụ việc trên. Chính vì thế, việc quản lý thông tin có lúc, có nơi bị thả nổi gây hoang mang dư luận.

Từ sự việc một đảng viên bị xử lý kỷ luật nêu trên đã đặt ra vấn đề lớn, đòi hỏi mỗi đảng viên cần có ý thức và chính quyền cần có những quy định pháp luật rõ ràng chặt chẽ để mọi người sống và làm việc theo đúng pháp luật.

                                                                                                                                                                                    KHẢI MINH

Nên đọc