Kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu: Cần xử lý nghiêm

(CL&CS) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn.

Liên tiếp phát hiện mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08/11/ 2023, Đội Quản lý thị trường số 2 bất ngờ kiểm tra đồng loạt 02 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Tân Phú và quận Bình Tân.

Qua kiểm tra, phát hiện 5.445 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, mắt kính và thực phẩm bao gói sẵn các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, cụ thể:

Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.742 đơn vị sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu: SENSODYNE, CLEAR, DOVE, SUNSILK, TRESEMME'…

Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Số 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.793 đơn vị sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu: GUCCI, YSL…

Đội Quản lý thị trường số 2  đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở.

Kiểm soát, xử lý mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu

Theo thống kê của các ngành chức năng, trên thị trường hiện có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Tình trạng nhập lậu mỹ phẩm ngày càng gia tăng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe do mỹ phẩm giả gây ra đối với người tiêu dùng.

Trước những nguy cơ, ảnh hưởng từ mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng đến sức khỏe người tiêu dùng, Cục QLTT Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu giả, nhái các thương hiệu.

Đồng thời tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, bán buôn mặt hàng này, đẩy mạnh công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, làm đẹp cho bản thân là nhu cầu tất yếu của mọi người, đặc biệt đối với chị em phụ nữ ngày nay, nhu cầu ấy càng trở nên phổ biến hơn qua các hoạt động chăm sóc sắc đẹp. Tuy nhiên trong quá trình làm đẹp, mọi người cần tránh những mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, dễ ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình.

Khi sử dụng những mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, người sử dụng dễ mắc các biểu hiện rối loạn hô hấp, gián đoạn tuyến giáp, nhiễm trùng mắt, đau đầu, tổn thương hệ thống sinh sản. Trường hợp nhẹ thì sau khi dừng sử dụng mỹ phẩm trong thời gian ngắn các biểu hiện sẽ dần hồi phục. Trường hợp nặng sẽ làm tăng mức độ của bệnh, tốn kém thời gian và gánh nặng về kinh tế cho gia đình trong suôt quá trình khám và điều trị bệnh.

Thực tế việc tránh sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa hóa chất độc hại, để an toàn cho sức khỏe là hết sức khó khăn, bởi trong mỹ phẩm luôn hiện hữu những loại hóa chất gây hại cho cơ thể, quan trọng nhất là lựa chọn cho mình những sản phẩm có hàm lượng hóa chất độc hại trong khuôn khổ cho phép và ít gây hại cho cơ thể nhất.

Chính vì vậy, cách tốt nhất khi sử dụng mỹ phẩm là phải lựa chọn cho mình những sản phẩm uy tín, chất lượng. Đồng thời cần tìm hiểu kỹ càng các thành phần có trong sản phẩm, cân nhắc mức độ ảnh hưởng của sản phẩm đến sức khỏe của mình để đi đến quyết định có nên mua và sử dụng hay không. Trong quá trình sử dụng có các biểu hiện ngứa ngáy, nổi mụn hay dị ứng trên da cần dừng ngay sản phẩm mỹ phẩm đó để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.

TIN LIÊN QUAN