Đứng ở vị trí thứ 9 toàn cầu, kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018. Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cũng 10 năm qua, Việt Nam cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Bangladesh và Ukraine luôn có mặt trong top 10.
Trong số 16 tỷ USD ấy, theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì người lao động di cư (chúng ta thường hay gọi xuất khẩu lao động) gửi về nhà 2,5-3 tỷ USD mỗi năm! Con số tương đương với kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực và vượt rất xa tổng thu ngân sách của nhiều tỉnh, thành. Nhưng để có được lượng kiều hối khổng lồ ấy thì lao động Việt Nam đối mặt với không ít bất trắc và khó khăn ở nước ngoài.
Nếu như đi lao động nước ngoài bằng con đường chính thức, được cả Việt Nam lẫn nước bạn bảo hộ, có hiệp định hay cam kết ràng buộc an toàn, ít rủi ro thì đi bất hợp pháp “may nhờ rủi chịu” và thực tế cho thấy rủi ro nhiều hơn may mắn. Ngược lại, một số có thu nhập khá hơn tuy nhiên không bền vững và bị ức hiếp, bóc lột hay trục xuất bất cứ lúc nào. Giờ đây, trách nhiệm của cơ quan chức năng lẫn người có nhu cầu ra đi kiếm sống không phải là tìm xem kẽ hở hay giải quyết hậu quả ở đâu mà làm thế nào để các bên đều có lợi, an toàn và đồng tiền kiếm được niềm vui nhiều hơn nước mắt.
Xu hướng hội nhập hóa toàn cầu ngày càng khiến nhu cầu lao động di cư tăng cao. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước lân cận, thậm chí một số nước phát triển cũng có rất nhiều người muốn sang nước khác làm ăn sinh sống. Họ đi hợp pháp nhiều mà bất hợp pháp cũng không thiếu. Việc Mỹ phải xây hàng rào chặn dòng người Mexico đổ sang hay châu Âu gần đây xiết chặt nhập cư cho thấy không chỉ Việt Nam mới đối mặt với vấn nạn trên. Cấm cản là điều bất khả thi, để họ ra đi hợp pháp, tiền gửi về có nguồn gốc sạch sẽ và tất cả đều tôn trọng luật lệ nước sở tại mới là điều cấp thiết.
Tôi xin ghi lại khuyến cáo của ILO và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM): “Người lao động có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, cho dù quyết định lựa chọn di cư của họ là theo kênh nào. Xét ở phương diện lớn hơn, tăng cường kết quả tích cực từ quá trình di cư đòi hỏi sự thay đổi về chính sách và thực tiễn từ những người có trách nhiệm các Chính phủ, người sử dụng lao động, các đơn vị tuyển dụng hơn là hành vi của người lao động di cư”.
Có lẽ đây mới là cách thức để những đồng kiều hối của lao động nước ngoài bớt vị mặn chát: Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia phái cử, trung chuyển và tiếp nhận để tăng cường và bảo đảm những lựa chọn di cư hợp thức, đặc biệt là đối với lao động nữ, nhằm bảo đảm nhu cầu về việc làm thỏa đáng; phát triển các kênh di cư hợp thức ít tốn kém tiền của, thời gian và ít phức tạp hơn; chuyển chi phí tuyển dụng từ người lao động sang người sử dụng lao động... như đề nghị của các tổ chức quốc tế.
16 tỷ USD là số tiền cực kỳ lớn và vô cùng ý nghĩa trong giai đoạn kinh tế còn không ít khó khăn hiện nay. 16 tỷ USD ấy không chỉ giúp hàng trăm ngàn gia đình bớt vất vả mà còn giúp dòng tiền luân chuyển góp phần không nhỏ phát triển kinh tế nước nhà. Tuy nhiên lao động an toàn hay rủi ro là vấn đề lựa chọn nơi hợp tác của người lao động, nhất thiết phải hợp pháp để được nước sở tại bảo vệ quyền lợi chính đáng.
PHAN NGUYỄN