Kích cầu tiêu dùng thị trường Tết

(CL&CS) - Hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023 và không lâu sau đó là tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là thời gian cao điểm tiêu dùng mà các đơn vị kinh doanh luôn chú ý để tận dụng tối đa cơ hội bán hàng. Nhất là bối cảnh năm nay mức cầu tiêu dùng của thị trường đang thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%). Do đó, việc kích cầu tiêu dùng cho thị trường thời gian Tết năm nay là rất cần thiết.

Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn thách thức, nhiều chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đã được thực hiện. Đó là việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2023 và Chính phủ tiếp tục đề xuất thực hiện mức giảm này đến hết 30/6/2024. Đây là một hình thức hỗ trợ áp dụng ở phạm vi rộng lớn, có tác động tích cực đến cả tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Trong lĩnh vực thuế, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn cũng được Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% trong năm 2024. Ở lĩnh vực tín dụng, lãi suất vốn vay vẫn tiếp tục xu hướng giảm nhiều tháng qua đang là động lực tích cực để hoạt động sản xuất kinh doanh có dòng vốn rẻ hơn. Nhiều nhóm hàng hóa, sản phẩm đang đã hạ giá thành, tăng cường quảng bá và chăm sóc khách hàng để tăng lượng bán ra...

Ảnh minh hoạ.

Nhìn thẳng thực tế, để tận dụng tối đa cơ hội thị trường Tết 2024, nền kinh tế cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ, nhiều chương trình kích cầu lớn mang lại sức mua lớn cho nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng sản phẩm đảm bảo, giá thành hợp lý, phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Không chỉ nhóm hàng thiết yếu, các lĩnh vực như du lịch, hàng không, giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí cũng cần có nhiều chương trình thu hút khách hiệu quả bao gồm cả khách nội địa và khách quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng.

Kích cầu tiêu dùng không chỉ mang lại một trợ lực cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung mà nó tác động tích cực đến doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, nhất là hàng triệu hộ kinh doanh gia đình. Do đó hoạt động này còn mang nhiều ý nghĩa trong khía cạnh an sinh xã hội.

TIN LIÊN QUAN