Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: mua sắm quần áo: 24%, hàng cá nhân: 21%, hàng điện tử: 18%, vé máy bay, xem phim: 17%, nội dung online: 19%, …
Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ, đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số).Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các Doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số- Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay: “Chúng ta phải có giải pháp cùng các doanh nghiệp hạ tầng, các nhà mạng viễn thông, các công ty hợp pháp để thúc đẩy thị trường tiêu dùng online. Cùng với đó, thông qua những hình thức hỗ trợ về chuyển phát về phí, chuyển phát về các hoạt động truyền thông, quảng bá, phát triển những giải pháp liên quan thông tin giao dịch, xác thực các đối tượng tham gia vào quá trình giao dịch, xử lý tranh chấp, khiếu nại, hiệu quả cao được chất lượng dịch vụ giao hàng. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng một định hướng về “Phát triển của nền tảng tín nhiệm” tại Việt Nam đối với thương mại, trong đó sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân để công bố rộng rãi để người tiêu dùng có thể nắm bắt”
Cũng tại Diễn đàn TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: Thị trường bán lẻ đang cực kỳ cạnh tranh và bất kể quy mô của doanh nghiệp là gì, thì tốc độ chuyển đổi số cũng đều đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của DN bán lẻ trong tương lai. Thế giới mới - người tiêu dùng mới - Ngành bán lẻ mới. Ở đây câu hỏi đặt ra sẽ không còn là Ai bán sản phẩm tốt hơn? mà là Ai đem lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn, và Ai sử dụng chi phí vận hành hiệu quả hơn. Chính vì vậy Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ.
Trong diễn dàn này bà cũng đã chia sẻ về Thành công và thất bại trong chuyển đổi số - Bài học nào cho DN bán lẻ Việt Nam. Đó là 5 lý do phổ biến dẫn đến những thất bại trong chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt (Nguồn: Đại học RMIT và KPMG 2019): Thiếu lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới; Thiếu hoặc yếu về một hoặc nhiều năng lực động của tổ chức; Chưa xây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp phù hợp - Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải xây dựng văn hoá phù hợp; Hiểu sai về năng lực số và Sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số.
Để vượt qua các thách thức của chuyển đổi số các DN cần có 5 đặc trưng văn hoá vẫn cần giữ gìn và phát huy:
Customer-centric: Lấy khách hàng làm trung tâm (Điển hình: Amazon)
Data-driven: Định hướng dữ liệu (Google: Định hướng dữ liệu)
Transparent: Minh bạch (Buffer: Văn hoá minh bạch)
Collaborative: Cộng tác (Basecamp: Văn hoá cộng tác)
Learning: Học tập (Facebook: Văn hoá học tập)
Tuy nhiên với nhiều lợi thế như vậy nhưng thanh toán trực tuyến tiêu dùng online vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng và tiến tới một bước mạnh mẽ hơn tiêu dùng, mua sắm không tiền mặt và với thương mại điện tử thì việc thanh toán vẫn dùng tiền mặt là khá lớn: Ví dụ với sàn TMĐT của Tiki thì một tháng khoảng 4,5 đến 5 triệu đơn hàng thì số thanh toán online chỉ khoảng 40% còn lại 60% là tiền mặt.
Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” lần này tập trung làm rõ các tác động ảnh hướng tới khuynh hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam những năm gần đây cũng như trong đại dịch Covid -19 và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Thanh Tùng