Khu công nghệ cao sinh học hàng đầu thế giới tại Việt Nam: Vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, rộng bằng nửa quận Hoàn Kiếm, sau 16 năm vẫn 'nằm im trên giấy'

Sau 16 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, dự án này vẫn chỉ “nằm trên giấy".

Dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (HaBiotech) lần đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 do Công ty Pacific Land Limited - Ireland làm chủ đầu tư.

Dự án tọa lạc trên địa bàn các phường Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương, Cổ Nhuế 2 thuộc quận Bắc Từ Liêm, với quy mô diện tích khoảng 2,8km2, tương đương một nửa diện tích quận Hoàn Kiếm (5,29km2).

Tổng mức đầu tư của dự án lên đến hơn 1 tỷ USD (khoảng hơn 24.000 tỷ đồng), trong đó, 250 triệu USD được phân bổ cho hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ, chung cư cao tầng và ký túc xá; 800 triệu USD còn lại dành cho đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học.

Bối cảnh 3D dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội

Dự kiến, quy mô dân số phục vụ tái định cư là khoảng 1.000 người, trong khi số lượng người làm việc tại dự án sẽ dao động từ 34.000-36.000 người.

Mục tiêu của dự án là xây dựng HaBiotech trở thành công viên công nghệ cao sinh học hàng đầu thế giới, tạo điều kiện cho các công ty sinh học lớn phát triển những kỹ thuật tiên tiến nhất. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong khu vực.

Đặc biệt, khi đi vào hoạt động, dự án đồ sộ này dự kiến sẽ thu hút đầu tư thứ cấp trị giá nhiều tỷ USD, đồng thời tạo ra cú hích quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Thủ đô, đặc biệt là trong các ngành có hàm lượng tri thức cao.

Tuy nhiên, mặc dù được đánh giá là “đại dự án của các dự án” nhưng cho đến nay, chưa có hạng mục nào trong khu công nghệ cao sinh học (HaBiotech) được triển khai.

Hiện trạng dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội

Phần lớn diện tích dự án vẫn là đất canh tác, nơi người dân trồng rau và hoa màu. Xung quanh các ruộng rau, nhiều nhà tạm được dựng lên để đựng nông cụ và làm chỗ nghỉ ngơi cho nông dân.

Dự án chưa được triển khai chủ yếu do gặp khó khăn trong việc thay đổi pháp luật, điều chỉnh quy hoạch của Thủ đô, và các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Sau 16 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (2008), hạ tầng xung quanh dự án, như đường Văn Tiến Dũng, trục đường Tây Thăng Long, khu đô thị Avenue Garden, và khu liên cơ quan quận Bắc Từ Liêm, đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động. Trong khi đó, dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (HaBiotech) vẫn chỉ “nằm trên giấy".