Theo báo báo mới nhất của Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gửi tới Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết, tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn vì đại dịch.
Trong 449 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ thì có 123 cơ sở tạm dừng sản xuất. Trong đó 19 cơ sở phải dừng sản xuất vì có ca nhiễm Covid. 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ. Chi phí sản xuất 3 tại chỗ lên rất cao
Như vậy còn 326 chiếm 72%. tiếp tục sản xuất, nhưng do thiếu công nhân và phải chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất hoạt động chỉ khoảng 30-40% so với trước.
“Do Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí 3 tại chỗ rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản”, Tổ công tác 970 báo cáo.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp đang rất khó khăn nếu ngành thuỷ sản không được khôi phục sản xuất trong tháng 9/2021 thì sẽ nảy sinh nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi mà không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi.
VASEP đề nghị Chính phủ sớm đưa ra những giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành thủy sản nói chung khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9/2021.
Đưa ra kiến nghị về thời gian này, VASEP cho biết đơn cử như với ngành nuôi trồng thủy sản là một ví dụ, không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu thủy sản sẽ ứ đọng, nông dân nuôi tôm-cá không còn cơ hội và cực kỳ khó khăn.
Một số doanh nghiệp cho biết do thực hiện giãn cách xã hội nên nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất. Đặc biệt là dự báo nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%.
“Trong bối cảnh phải ngừng sản xuất hoặc co hẹp sản xuất, doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều khó khăn bao gồm cả áp lực lớn về chi phí. Trong đó có chi phí sản xuất 3 tại chỗ tăng cao và chi phí trả lương cho người lao động”, Phó Tổng thư ký của VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.Doanh nghiệp vẫn cần trả lương ngay cả khi người lao động đi cách ly, hay người lao động ngừng việc do nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, giãn cách trong sản xuất... Kể cả nhà máy ngừng hoạt động cũng vẫn cần trả lương.
Để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, VASEP đề nghị, Bảo hiểm xã hội (BHXH), chi trả lương cho những người lao động trong trường hợp này mà họ đang đóng BHXH, thay vì doanh nghiệp phải trả.
“Giải pháp này hoàn toàn phù hơp và phát huy vai trò của BHXH”, Phó Tổng thư ký của VASEP nói.
VASEP cũng đề nghị giảm mức đóng phí công đoàn từ 2 % xuống còn 1% cho tất cả các doanh nghiệp. Với kết dư quỹ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn nhiều nên giải pháp này là khả thi.
“Doanh nghiệp đang vô vàn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và phí công đoàn là vô cùng lớn. Việc cần có ngay chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động từ Tổng Liên đoàn Lao động vào lúc này vừa phát huy vai trò của Tổng liên đoàn vừa có ý nghĩa để chung tay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”, đại diện của VASEP nói.
VASEP cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng đến hết tháng 6/2022. Và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng.
VASEP cũng đề nghị giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 vỉ doanh nghiệp chế biến thuỷ sản sẽ gồm đủ tổ hợp cần điện, từ chế biến-cấp đông-kho bảo quản. Nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Việc hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng – chế biến – cấp đông – bảo quản sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi và bảo đảm chẩt lượng thủy sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án và cùng doanh nghiệp làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhằm khôi phục sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về xét nghiệm cho công nhân để nhà máy sản xuất tối đa công suất càng tốt. Việc xét nghiệm đang bất cập, có nơi xét nghiệm 20%, có nơi 30%.
Đại dịch Covid-19 đã làm lĩnh vực nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề, logistic không thuận lợi, giá cước vận tải tăng, bên cạnh đó còn có những khó khăn khác như ứng dụng công nghệ vào khai thác và bảo quản sau thu hoạch còn chậm, gỡ thẻ vàng EU khó khăn. Ngành thủy sản cần được Nhà nước hỗ trợ để duy trì sản xuất và tái đầu tư… để doanh nghiệp giữ vững vị thế của thuỷ sản Việt Nam trên thương trường.
Về dài hạn, cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường. Chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó các địa phương cũng tạo điều kiện, hỗ trợ người nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới ngày càng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để giữ thị trường, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện ngay các giải pháp chủ động nghiên cứu, cập nhật đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm để tổ chức thực hiện trong quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu; trong đó, tập trung kiểm soát mối nguy, sản phẩm và yêu cầu của một số thị trường đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phổ biến, hướng dẫn.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).