Một số trang tín dụng công khai trên mạng xã hội với lời mời hấp dẫn. |
Chiêu giăng bẫy của tín dụng đen
Tại nhiều khu vực gần chợ, khu công nghiệp, nhà trọ, ký túc xá… ở TP.HCM, người dân không khó bắt gặp những tờ rơi dán trên các trụ điện, tường nhà, nhà chờ xe buýt với nội dung: “Cho vay trả góp, không thế chấp tài sản”, hoặc “Vay trả góp (không thế chấp), thủ tục đơn giản, cầm cà vẹt xe (vẫn có xe sử dụng)”. Thoạt nhìn, có vẻ như đây là “phao cứu sinh” với những ai đang cần tiền gấp để xử lý công việc, thế nhưng đằng sau những câu giới thiệu, chào mời hấp dẫn lại là một thế giới ngầm tín dụng đen hoạt động rất phức tạp.
Từ phản ánh của một số nạn nhân ở P.6 (Q.8), sáng 26/3/2017, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0966.433… ghi trên tờ quảng cáo dán ở đầu cầu Nhị Thiên Đường, đặt vấn đề cần vay nóng 5 triệu đồng trong ngày. Không do dự, bên kia đầu dây, một giọng Bắc bảo cứ ghé tiệm cầm đồ M.L. gần giao lộ Hòa Hảo - Sư Vạn Hạnh, vay bao nhiêu cũng có. Tại đây, tiếp chúng tôi, một nam thanh niên (tầm 35 tuổi) xưng là Hưng - chủ tiệm cầm đồ M.L., cho biết: “Vay đứng (không thế chấp tài sản) 5 triệu đồng đúng tháng sau trả đủ 6 triệu đồng”. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi không có hộ khẩu ở TP.HCM, người này nói: “Bó tay rồi. Muốn vay dạng này, ông phải thế tạm hộ khẩu hoặc có người quen giới thiệu. Sở dĩ ràng buộc vậy là để khi ông bỏ trốn, tôi còn biết đường mà đi kiếm”.
Nhìn ra phía trước, thấy chiếc xe Yamaha Sirius chúng tôi đang dựng, Hưng gợi ý: “Vẫn còn cách, giờ ông muốn vay 10 triệu đồng cũng được, nhưng phải làm hợp đồng công chứng mua bán chiếc xe máy ông đang đi cho tôi, lãi 16%/tháng, hạn vay tùy ông chọn, xe ông vẫn đi, tôi tạm giữ cà vẹt. Đến hẹn ông trả đủ cả gốc lẫn lãi, tôi trả lại cà vẹt và hợp đồng”. Thấy chúng tôi dè dặt, Hưng trấn an: “Ông yên tâm, tôi dân Hải Phòng rất đâu vào đó, tôi làm nghề này chục năm nay, chưa mất uy tín với ai, chỉ có họ (người vay - PV) mất uy tín với tôi thôi”. Rồi Hưng trưng ra cả trăm sổ, hợp đồng vay - mua bán công chứng xe máy, nhà, ô tô… của tiệm với khách hàng, các hợp đồng đều có mức lãi từ 15-20% giá trị tài sản. Khi chúng tôi nói để hỏi ý kiến người nhà, đầu giờ chiều quay lại, Hưng cười: “Ok, ở đây vay bao nhiêu, lúc nào cũng đều có”. Hưng còn cho biết tiệm của mình cho vay khắp thành phố, các quận đều có “chi nhánh”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại nhiều quận, huyện khác ở TP.HCM có nhiều nhóm khác tổ chức cho vay nặng lãi với hình thức tương tự. Đa số đối tượng tham gia các nhóm cho vay nặng lãi có hộ khẩu ở các tỉnh phía Bắc. Nhằm tiện hoạt động, các nhóm này thuê nhà trọ, chung cư để ở và thường xuyên thay đổi chỗ ở mới, đồng thời xây dựng mạng lưới “chân rết” dày đặc ở nhiều phường xã, khu phố, tổ dân phố để “săn tìm con mồi”.
Thông tin cho vay quá ”dễ dàng” được dán khắp nơi. |
Rất khó xử lý!?
Vừa thoát khỏi vay nóng, anh B. (ngụ Q.Phú Nhuận) kể: “Do cần tiền gấp cho vợ mổ thì tình cờ nhìn thấy trên cột điện có tờ quảng cáo: Không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, cũng có thể vay vốn… Như bắt được vàng, tôi điện thoại ngay đến số 0964479… hỏi vay 20 triệu đồng, một ngày trả 600.000 đồng, trong vòng 40 ngày. Và ngay sau đó, có người mang tiền đến tận nhà viết giấy nợ, cho vay”. Theo anh B, do mỗi ngày phải góp số tiền quá lớn nên anh năn nỉ giảm bớt tiền và kéo giãn thời gian nhưng không được chấp nhận. Vì thế, sau 40 ngày, “lãi mẹ đẻ lãi con”, chẳng những anh không trả hết nợ, mà còn phải trả thêm tiền lãi cho số tiền còn nợ và vẫn phải tiếp tục đóng tiền góp mỗi ngày…
Trên thực tế, nạn cho vay nặng lãi đã gây ra nhiều hệ lụy, nhiều người bị mất trắng tài sản do không đủ khả năng chi trả khoản tiền vay, thậm chí không ít người bị trọng thương do bị chủ nợ tấn công. Chưa hết, nạn cho vay nặng lãi còn sinh ra bảo kê, kéo theo nhiều loại tội phạm khác như đánh đập, chém giết nhau, gây bất an cho dân. Nhưng việc ngăn chặn, xử lý, theo cơ quan chức năng là rất khó!
Một luật sư tại Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, để xử lý hình sự được các đối tượng cho vay nặng lãi, ngoài việc phải chứng minh mức lãi cho vay vượt mức lãi vay theo quy định của Nhà nước (hơn 10% tổng tiền vay), cơ quan điều tra còn cần phải làm rõ các điều kiện khác như: Cho vay chuyên nghiệp, mang tính chất bóc lột, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản để làm rõ các yếu tố này. Khái niệm “tính chất bóc lột”, “đòi nợ kiểu xã hội đen” cụ thể thế nào, luật không nêu rõ. Ngoài ra, đa số các đối tượng cho vay nặng lãi đều lách luật, xin giấy phép mở thêm tiệm cầm đồ, hoạt động trá hình bên trong.
Luật sư này cho biết, để ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi hiệu quả, ngoài xử phạt hành chính “cá nhân, tổ chức cho vay không có giấy phép”, công an các địa phương cần làm tốt công tác nắm kỹ tình hình địa bàn, kiểm tra sát sao tạm trú, tạm vắng các đối tượng lạ. Khi phát hiện đối tượng, cá nhân có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi, cảnh sát khu vực vận động chủ nhà không cho thuê ở. Một khi không có chỗ ở, không tìm kiếm được “con mồi”, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ bỏ đi.
Bà Hoàng Thị Thương (Quảng Ngãi), hiện tạm trú tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) đau khổ: Cuối năm 2016, được một người quen biết giới thiệu, bà Thương đem xe máy Vision (mới mua cho con gái đầu sắp ra trường) làm hợp đồng mua bán (có công chứng) với tiệm cầm đồ H.S. ở Bình Hưng Hòa (Bình Tân) để vay 25 triệu đồng mở quán bán hủ tiếu, hy vọng có thêm thu nhập. Theo thỏa thuận, thời hạn vay - mua bán xe giữa hai bên là 8 tháng, lãi suất 15%. Mức lãi cao cứ dồn lên hàng tháng, trong khi thu nhập không đủ chi, hết 8 tháng, bà Thương cố xoay sở nhưng chỉ đủ trả tiền gốc và 7 tháng lãi. “Không biết xoay đâu ra tiền trả lãi tháng cuối cùng, tôi đến năn nỉ, van xin khất trả gấp đôi vào tháng sau nhưng họ (người cho vay) nhất quyết không chịu. Tôi chưa kịp đem cà vẹt lên, họ đã làm hợp đồng mua bán xe của tôi với một người khác và cho nhiều người xăm trổ xuống hăm dọa, đòi chém. Quá sợ, tôi đã đưa cà vẹt xe!”. |
Cao Tuấn