Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2005. Tại đây có tới 8 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia gồm: Làng cổ, Chùa Mía, Đình Mông Phụ, Đình Đoài Giáp, Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Đền thờ và lăng Ngô Quyền, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh.
Đằng sau cánh cổng làng là một không gian yên bình, cùng nếp sống hiền hòa với điểm nhấn là gần 1.000 ngôi nhà cổ được xây dựng với lối kiến trúc xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của làng quê Bắc Bộ.
Làng cổ Đường Lâm đã có nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn đông đảo du khách ở mọi lứa tuổi.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được những phong tục, tập quán, tín ngưỡng của một làng quê với cây đa, bến nước, sân đình… là địa điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu trên hành trình tìm về di sản văn hóa xứ Đoài.
Kể từ khi được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia (năm 2005) và Điểm du lịch cấp Thành phố (năm 2019), Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã có những bước đi bài bản trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm chia sẻ: “Bên cạnh việc duy trì hoạt động trang website giới thiệu làng cổ, chúng tôi đã xây dựng các tour tuyến tham quan tại làng cổ gắn với các di tích trên địa bàn thị xã và vùng phụ cận; triển khai mô hình dịch vụ, du lịch homestay tới các gia đình có nhà cổ”.
Theo Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, Đường Lâm hiện có trên 100 hộ dân tại 5 thôn làm dịch vụ du lịch và tham gia tạo sản phẩm phục vụ du khách. Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đã có nhiều cuộc họp với người dân để sắp xếp lại dịch vụ du lịch, hướng tới sự chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trước kia, nhiều gia đình cùng làm kẹo lạc, chè lam, bánh tẻ… nhưng giờ đây chia ra mỗi hộ thực hiện một sản phẩm là thế mạnh của mình. Những hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú được hướng dẫn về tác phong phục vụ chuyên nghiệp. Việc sắp xếp này đã tạo điểm mới cho du lịch cộng đồng tại Đường Lâm, giúp khách có trải nghiệm tốt hơn.
Đặc biệt, từ tháng 4/2023, nhằm tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho hành trình du lịch di sản, một không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo mang tên “Đoài creative” đã ra mắt tại Làng cổ, mở ra cơ hội trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống hấp dẫn của Đường Lâm nói riêng, làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn nói chung.
Tại đây, công chúng và du khách được tìm hiểu về lịch sử văn hóa làng cổ xứ Đoài, tham gia các workshop với những chuyên đề luôn được đổi mới để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, như: Sáng tạo trên nền ngói cổ, làm đèn nghệ thuật trên ngói âm dương, vẽ tranh mộc bản trên giấy dó, giấy điệp… Dù chỉ mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm nhưng “Đoài creative” đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng khi tới thăm làng cổ Đường Lâm, đặc biệt vào các dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, nơi đây luôn tấp nập khách tham quan, trải nghiệm.
Cùng với “Đoài creative”, với cách làm du lịch mới thông qua các mô hình không gian sáng tạo, hiện nay tại Đường Lâm còn có nhiều mô hình làm du lịch cộng đồng khác thu hút đông đảo người dân tham gia. Thành danh với công việc của một họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn tâm huyết đồng hành cùng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm và bà con bằng cách triển khai mô hình không gian sáng tạo thông qua Hợp tác xã Nghề làng từ tháng 3/2023. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm "chạm" vào những công đoạn của nghề làm gốm, sơn mài cổ truyền.
"Thông qua những nghề thủ công truyền thống này, chúng tôi muốn phát huy và gửi gắm những giá trị văn hóa vào trong đây, vào trong mảnh đất này. Vì tôi cũng hiểu là một trong những thế mạnh của Đường Lâm, Sơn Tây đó là thế mạnh du lịch, đây cũng là một cách để tôi chuyển tải những nội dung ý nghĩa đến với khách du lịch", Họa sĩ - Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết: Cùng với việc phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, cùng các đơn vị du lịch triển khai nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn tại Làng cổ Đường Lâm như Chương trình Tết Làng Việt, tổ chức tour du lịch Đường Lâm mùa lúa chín, du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp; ra mắt các mô hình, không gian sáng tạo và một số dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, làm tương và các sản phẩm bánh kẹo truyền thống…
Người dân Đường Lâm còn đoàn kết cùng nhau tổ chức các sự kiện ẩm thực, du lịch để du khách có thêm cơ hội trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cùng người dân làng cổ.
Riêng năm 2023, lượng khách du lịch đến thị xã ước đạt 1.175.000 lượt khách, trong đó có 450.000 lượt khách tham quan tại các di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm, Thành cổ, phố đi bộ Sơn Tây.
Thị xã chỉ đạo Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm bố trí nhân viên tăng cường trực tại các điểm di tích nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu hướng dẫn tham quan của du khách. Thời gian tới, Thij xã sẽ triển khai thêm các mô hình trải nghiệm khác như dệt vải và may trang phục truyền thống, nghề đan lát và không gian ẩm thực đêm, để du lịch Làng cổ Đường Lâm sẽ ngày càng khởi sắc.
Thị xã Sơn Tây có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ. Ngoài ra còn có rất nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… Địa phương có 2 điểm du lịch được Hà Nội công nhận Điểm du lịch là Làng cổ ở Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn). Năm 2024, tiếp tục được thị xã chọn là Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài với kỳ vọng hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến của đông đảo du khách. Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, thị xã phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. |