Than là nguồn năng lượng chính ở nhiều nước châu Á. Một số quốc gia hiện sử dụng nhiều nguồn điện than - nguyên do góp phần làm cho trái đất nóng dần lên, gây hại trực tiếp đến biến đổi khí hậu.
Theo một báo cáo của của Climate Central - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, Việt Nam nằm trong top 6 nước châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng lũ ven biển do biến đổi khí hậu làm cho trái đất nóng lên. Ông Guterres cho biết các nước trong khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với sự nóng lên toàn cầu và nên ở đầu “chiến tuyến” trong cuộc chiến ngăn chặn thảm họa này.
Ông trích dẫn một nghiên cứu mới cho thấy các nước châu Á có nguy cơ bị lũ lụt trầm trọng do biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres |
Nói chuyện với các phóng viên ở Bangkok vào hôm thứ Bảy, ông Guterres mô tả biến đổi khí hậu là “vấn đề mang tính định đoạt thời đại của chúng ta”. Ông đã tham khảo một nghiên cứu được công bố vào thứ Ba, trong đó phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng triệu người có nguy cơ bị lũ lụt ven biển vào năm 2050 nhiều hơn so với suy nghĩ trước đây.
Phần lớn dân ở các nước đang phát triển trên khắp châu Á bị ảnh hưởng. Ông Gutterres nói rằng trong khi “mọi người có thể thảo luận về tính chính xác của những con số này thì vẫn rất rõ ràng rằng đây chính là xu hướng góp phần làm cho biến đổi khí hậu gây hại nhiều hơn”.
Ông nói vấn đề này “đặc biệt nhạy cảm” ở châu Á - nơi một số lượng lớn của các nhà máy điện than vừa được lên kế hoạch xây dựng. Rồi ông cảnh báo: “Chúng ta phải nhận thức được rằng carbon là khí gây hại, chúng ta sẽ phải trả giá đắt nếu không tìm cách hạn chế nó đang sinh sôi. Chúng ta cần ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Và chúng ta cần phải ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy điện than trong tương lai”.
Theo Climate Central, hơn 190 triệu người sẽ sống ở những khu vực được dự đoán là dưới mức thủy triều cao vào năm 2100. Và ngay cả khi đã nỗ lực bằng mọi biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, 6 nước Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam có thể phải đối mặt với các mối đe dọa lũ lụt hằng năm vào năm 2050.
Tại Hội nghị ASEAN - LHQ, các nhà lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của LHQ và ASEAN trong hợp tác giải quyết các thách thức trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều mối an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, bệnh dịch, biến đổi khí hậu... hai bên nhấn mạnh nhu cầu hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai, nước biển dâng, ô nhiễm, rác thải nhựa...
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để không ai bị bỏ lại phía sau. Ông khẳng định LHQ sẵn sàng hỗ trợ ASEAN, mong muốn ASEAN tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững.
Riêng về biến đổi khí hậu và tác hại của việc sử dụng điện than, ông kêu gọi cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính, đánh thuế carbon, không xây dựng nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch; nhắc lại cam kết các quốc gia phát triển cung cấp 100 tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu...
Việc Tổng Thư ký Guterres cảnh báo biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính định đoạt trong thời đại của chúng ta và các nước châu Á nên hãm cái đà “nghiện than” lại, liệu có hiệu quả trong tương lai?
Lê Miên Tường