Tỉnh Khánh Hòa từng có 7 rạp chiếu phim, hầu hết các rạp này đều nằm tại trung tâm thành phố Nha Trang và được xây dựng trước năm 1975 như: Tân Tân, Tân Tiến, Tân Quang, Hưng Đạo, Tân Thanh...
Rạp chiếu phim Tân Quang biến thành khách sạn cao tầng của tư nhân |
Những rạp chiếu phim này tọa lạc trên những khu đất rộng hàng trăm m2 ở những tuyến đường lớn của thành phố. Đến nay, các rạp chiếu phim không còn hoạt động nữa và thay vào đó là khách sạn, siêu thị sách, trụ sở cơ quan. Cụ thể, khu đất rạp Tân Quang, nằm ở ngã 6 trung tâm thành phố Nha Trang đã biến thành một khách sạn cao tầng của tư nhân.
Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước đây mặc dù hoạt động chiếu phim gặp nhiều khó khăn nhưng các rạp luôn được các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quản lý chặt chẽ. Các rạp chiếu phim này đều là những khu đất đẹp, nằm ở khu trung tâm thành phố và luôn giữ liên tục trong nhiều năm qua.
“Do có khoảng thời gian bị ế nên họ đem bán. Đây là một phần khách quan và chủ quan để mất đi những vị trí đẹp. Có thể xây dựng mỗi rạp như vậy thành Nhà văn hóa, sinh hoạt công cộng thì rất tốt”, ông Phạm Văn Chi thông tin thêm.
Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã thu hồi đất của 5 rạp để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội. Hiện còn 2 rạp nhưng không chiếu phim mà để làm trụ sở các cơ quan làm việc. Một là khu đất 62 Sinh Trung của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, hai là 128 Hoàng Văn Thụ, là nơi làm việc của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Như vậy, rạp chiếu phim hiện chỉ còn 2 cơ sở còn của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất, tại kỳ họp thứ 38, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết luận một số nội dung liên quan đến vi phạm của tập thể và nhiều cá nhân tại Khánh Hòa gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.
K.C