Khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020

(NTD) - "Cuối tháng 9.2018, sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Thành ủy Hà Nội Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020"- Phó chủ tịch thường trực huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần đã cho biết tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, tổ chức chiều ngày 14.8.2018.

 Tại buổi giao ban báo chí, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2018.

Theo đó, về kết quả phát triển kinh tế xã hội: Kinh tế huyện duy trì mức ổn định, có bước phát triển và tăng cao hơn mức cùng kỳ năm 2017, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,41% so với cùng kỳ năm trước.

 Ông Nguyễn Ngọc Thuần (đứng)- Gia Lâm sẽ lên quận vào năm 2020. Ảnh: Đức Nguyễn.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 1.478 tỷ đồng, bằng 61,4% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 130,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 266 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán giao, bằng 146,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng theo quy hoạch, đã cấp giấy phép xây dựng cho 541 trường hợp với tổng diện tích sàn 139.464m2. 

Tỷ lệ công trình xây dựng có phép, miễn phép đạt 98,8%. Thực hiện tốt trật tự và văn minh đô thị, tuyên truyền, vận động nhân dân tự dỡ bỏ và tổ chức giải tỏa vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường, hướng dẫn chỉnh sửa đảm bảo mỹ quan đô thị và duy trì trật tự đô thị sau giải tỏa.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, huyện đã triển khai thi công xây dựng các dự án giao thông trọng điểm (đường Dương Xá - Đông Dư, đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, tuyến đường 30m...), các dự án trường học, mua sắm trang thiết bị phục vụ khai giảng năm học mới và các dự án dân sinh bức xúc.

Bên cạnh đó, công tác văn hóa, xã hội tiếp tục được duy. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Huyện cũng đã thực hiện 44 cuộc kiểm tra tại 26 đơn vị trên địa bàn huyện, qua đó yêu cầu các đơn vị khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm, thực hiện chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại hạn chế của huyện trong thời gian qua. Cụ thể, công tác quản lý môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, vẫn còn để xảy ra vi phạm gây ô nhiễm ô trường. 

Công tác thông tin tuyên truyền chưa thực sự được quan tâm, hình thức còn hạn chế, việc triển khai tuyên truyền qua mạng xã hội tại các xã, thị trấn chưa được thực hiện. Công tác trật tự đô thị có chuyển biến tích cực nhưng chưa bền vững, vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Nói về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ đề năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thông chính trị”; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, thực hiện tốt cải cách hành chính.

Ngoài ra, huyện cũng đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020 theo chỉ đạo của thành phố. Dự kiến cuối tháng 8. 2018, huyện sẽ trình thành phố xem xét phê duyệt đề án này. Tiếp đó, cuối tháng 9.2018 sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đức Nguyễn 

Nên đọc