Khai mạc Festival làng nghề, thiết kế sáng tạo tại huyện Thường Tín

(CL&CS)- Tối 11/10, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thường Tín (Hà Nội), Sở Công Thương Hà Nội và UBND huyện Thường Tín tổ chức khai mạc Festival làng nghề, thiết kế sáng tạo và và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024.

Đây là sự kiện chào mừng 70 năm Giải phóng huyện Thường Tín (28/8/1954-28/8/2024) và 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Với quy mô 60 gian hàng tiêu chuẩn, thông qua Festival và triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Festival làng nghề giới thiệu và trưng bày các nhóm ngành nghề như: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; chế biến, bảo quản nông sản.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản…

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, năm 2023, thành phố đã công nhận mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã cho 10 đơn vị trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Thái thuộc huyện Thường Tín đạt mô hình 3 sao.

Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024 giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu làng nghề huyện Thường Tín, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay, Thường Tín được mệnh danh là "đất trăm nghề", bởi trên địa bàn huyện có đến 126 làng nghề, trong đó 48 làng nghề truyền thống tiêu biểu như: Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái); nghề thêu tại các xã: Quất Ðộng, Thắng Lợi, Lê Lợi; nghề tiện gỗ ở làng Nhị Khê (xã Nhị Khê); nghề điêu khắc ở các làng: Nhân Hiền (xã Hiền Giang), Thượng Cung (xã Tiền Phong)…

Đặc biệt, nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chính vì vậy cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín luôn coi việc phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương.

TIN LIÊN QUAN