Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới. Tính đến đầu tháng 1/2017, Việt Nam có gần 95 triệu dân và dự kiến đến năm 2025 sẽ là gần 100 triệu dân. Song song đó, Bộ Công thương dự báo, trong vòng 3 năm tới sẽ có thêm khoảng 300 siêu thị mới tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ; và đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm và hơn 1.500 cửa hàng tiện lợi… Hai nhân tố này góp phần đưa thị trường bán lẻ trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp trong vòng xoáy kinh doanh.
Đối với ngành ngân hàng, bán lẻ cũng là một thị trường đầy tiềm năng mà hầu hết các ngân hàng tham gia đều phải ngày càng nâng cao cạnh tranh cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Và, nếu như thế mạnh của các ngân hàng quốc doanh là nguồn vốn tốt, giá ưu đãi; ngân hàng nước ngoài là dịch vụ hiện đại vì có sẵn nền tảng công nghệ và thương hiệu từ ngân hàng mẹ thì có thể thấy các ngân hàng TMCP là nhóm phải nỗ lực nhiều hơn cả nếu muốn có được thị phần.
Điển hình về một ngân hàng TMCP sớm nắm bắt và gia nhập thị trường màu mỡ này chính là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Lướt qua website ngân hàng này có thể thấy danh mục khá đa dạng với hơn 250 sản phẩm dịch vụ đang được cung cấp ra thị trường. Trong đó, các sản phẩm cho vay, tiền gửi, thanh toán… là hơn 60, sản phẩm dịch vụ về thẻ là hơn 40 và sản phẩm dịch vụ về ngân hàng điện tử là hơn 65. Những con số này thể hiện rõ những nỗ lực của Sacombank trong hành trình trải nghiệm thị trường, khám phá sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các “thượng đế”.
Đặc biệt, những năm gần đây, khi xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, Sacombank đã đưa ra rất nhiều giải pháp tài chính dành cho khách hàng. Mỗi sản phẩm dịch vụ đều là những giải pháp để khách hàng có thể tìm thấy sự thoải mái, tiện ích và tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí hơn trong việc quản lý tài chính, mua sắm, giao dịch, thanh toán… Tuy nhiên, Sacombank không ”gom rổ nhu cầu” khách hàng bằng những sản phẩm chung chung, mà chia nhỏ thị trường thành những nhóm khách hàng chuyên biệt để sản phẩm dịch vụ cung cấp ra luôn đúng nhu cầu.
Ví dụ, để những người buôn bán nhỏ lẻ, các bà nội trợ thích tích lũy tiền có cơ hội kiếm thêm những đồng mà không phải tham gia những hoạt động không đảm bảo an toàn như chơi hụi, chơi huê… Sacombank cung cấp sản phẩm Tiền gửi góp ngày; để giúp người trẻ hoàn thành những mục tiêu đã hoạch định, Sacombank mang đến sản phẩm Tiền gửi tương lai; hay nhằm đem đến công cụ hiện đại hỗ trợ các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái về cách thức chi tiêu, tiết kiệm, chia sẻ và làm quen giao dịch tài chính, Sacombank cung cấp sản phẩm Tiết kiệm Phù Đổng (cho trẻ “bỏ ống heo” qua thẻ tiết kiệm).
Ngoài ra, Sacombank còn có Combo học đường cho sinh viên, thẻ Ladies First cho phụ nữ, thẻ JCB cho người thích mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng Nhật Bản... Đặc biệt, hiểu được nỗi vất vả của tiểu thương trong việc xoay sở nguồn vốn cũng như chung tay cùng xã hội ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, Sacombank đã sớm cho ra đời sản phẩm Vay tiểu thương và “gõ cửa” từng kios để tiếp thị, tạo điều kiện cho vay vốn.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng liên tục liên kết với nhiều tổ chức, doanh nghiệp để cho ra đời các sản phẩm dịch vụ theo sở thích, thói quen, nhu cầu công việc như: thẻ MasterCard Travel dành cho khách hàng có nhu cầu du lịch, mua sắm, chữa bệnh ở nước ngoài, thẻ Visa Signature cho giới doanh nhân, khách hàng cao cấp với ưu đãi đặc biệt về đổi vé máy bay trực tiếp, Gói Tài chính toàn diện cho khách hàng Dịch vụ Ngân hàng cao cấp (Sacombank Imperial), Đăng ký mua ngoại tệ online cho doanh nghiệp…
Đặc biệt mới đây là chương trình Hỗ trợ khách hàng mua sắm trả góp mọi lúc mọi nơi dành cho những người muốn sở hữu các vật dụng cần thiết nhưng lại bị vượt khả năng tài chính hiện tại hoặc những người có thói quen chia dòng tiền ra nhiều rổ để linh hoạt hơn trong chi tiêu.
Sacombank trở thành một trong những ngân hàng có mạng lưới rộng khắp cả nước và khách hàng đa dạng. |
Nhằm ngăn chặn các tình huống xấu xảy đến cho khách hàng sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử, từ tháng 9/2016, Sacombank đã tiên phong bổ sung thêm bước xác thực qua Hình ảnh và Ghi chú riêng dành cho khách hàng giao dịch qua kênh này. Với bước xác nhận được bổ sung, khách hàng có thể nhận biết website Ngân hàng điện tử “chính chủ” của Sacombank một cách dễ dàng, tránh vào nhầm các trang lừa đảo.
Ngoài ra, đại diện Ngân hàng này đã cho biết, giữa năm 2017, họ sẽ phát hành ra thị trường công nghệ thẻ không tiếp xúc kèm máy POS công nghệ NFC. Với công nghệ này, khách hàng chỉ cần dùng thẻ chạm vào máy POS là có thể hoàn tất giao dịch mà không cần phải đưa thẻ của mình cho nhân viên cửa hàng khi mua sắm, thanh toán hóa đơn.
Có thể thấy, hệ thống sản phẩm dịch vụ của Sacombank khá phong phú, dù là độ tuổi nào, thói quen, sở thích ra sao, tìm đến Sacombank, khách hàng vẫn dễ dàng chọn cho mình một sản phẩm dịch vụ phù hợp. Hiện Sacombank đang phục vụ hơn 4,6 triệu khách hàng, con số này vẫn không ngừng tăng trưởng qua các năm. Khách hàng giao dịch với Sacombank dù là tiểu thương chợ, các bà nội trợ hay nhân viên văn phòng… thì cũng đều ấn tượng với ngân hàng này bởi thái độ phục vụ thân thiện cùng kỹ năng tư vấn, bán hàng chuyên nghiệp của CBNV.
Rõ ràng, tiềm năng thị trường bán lẻ là rất lớn, bởi nhu cầu của khách hàng luôn không ngừng tăng và ngày một đa dạng hơn. Đó chính là nền tảng và cơ hội để các ngân hàng phát huy sự sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm dịch vụ mới cũng như những phương thức tiếp cận phù hợp, từ đó góp phần nâng cao tiện ích đời sống cũng như trình độ dân trí của người tiêu dùng Việt Nam khi đất nước ngày càng hội nhập.
Thế Như