Kẻ đường thu phí mà cũng lỗ!

(NTD) - Chuyện tưởng đùa hóa ra có thật, việc nghe phi lý lại là sự thật phũ phàng! Chỉ kẻ vạch trên đường và thu tiền giữ xe nhưng Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong (Công ty TNXP) vẫn phải bù lỗ khoảng gần 700 triệu đồng/tháng để trả lương cho 97 nhân viên của công ty! Phi lý hơn, chuyện đó đã kéo dài 5 tháng qua và họ lại đang đề nghị TP.HCM hỗ trợ!?

Từ tháng 5/2019, việc thu phí đỗ xe ở 23 tuyến đường trung tâm của TP.HCM được chuyển giao cho Công ty TNXP. Chỉ sau 1 tháng tiếp nhận, Công ty TNXP đã có báo cáo gửi Sở Giao thông Vận tải cho hay thực tế doanh thu một tháng chỉ 184 triệu đồng, trong khi đơn vị này phải chi ra hơn 840 triệu đồng để trả lương cùng các chi phí khác cho 97 nhân viên đi thu. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ thu được chưa đến 1 đồng, công ty này phải bỏ ra 4 đồng, đồng nghĩa luôn với việc chỉ đi thu tiền, người ta cũng có thể lỗ!

Công ty TNXP đưa ra rất nhiều lý do, khách quan nhiều hơn chủ quan, tại bên khách quan hơn do cách quản lý của mình. Họ báo cáo thế này: Người sử dụng phần mềm thu phí (Myparking) còn gặp khó khăn trong việc cài đặt, đăng ký sử dụng. Một số người dân không mặn mà với việc tải phần mềm do thời gian cài đặt lâu, tốn 15-20 phút. Ngoài ra, phần mềm này lại chưa có sự liên kết với các nhà mạng khác ngoài Viettel và dịch vụ thu phí cũng chưa liên kết với nhiều ngân hàng. Họ còn cho rằng bị ngăn cản hay trốn tránh thu phí!

Tuy nhiên, Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nhìn nhận: “Nhân sự hướng dẫn và giám sát thu phí tại các điểm đỗ xe thiếu nhiệt tình, chưa giám sát chặt chẽ các trường hợp đỗ xe, đối chiếu thu phí, sử dụng thiết bị đặt chỗ và thanh toán chưa thành thạo, thường xuyên vắng mặt hoặc chỉ làm việc theo giờ hành chính trong khi thời gian đỗ xe từ 6-24h…”. Chưa kể nhân viên còn nhận tiền mặt, công ty không kiểm soát được!

Cho đến giờ giải pháp “mạnh mẽ” nhất mà Công ty TNXP đưa ra là: “Đề nghị Sở Giao thông Vận tải đưa ra các chế độ chính sách bổ sung chi phí cho nhân viên công ty thực hiện việc này”. Còn không thì sẽ như Giám đốc Công ty TNXP Lê Thành Khoa thú thật: “Qua đây, cho thấy việc thu phí này khó quá nên công ty sẽ đề nghị với Sở Giao thông Vận tải trả lại công việc thu phí, không nhận nữa, giao công việc thu phí này cho lực lượng khác”!?

Dư luận đang đặt dấu hỏi vì lý do gì, do ai và bởi nguyên nhân nào mà lại có chuyện lạ đời đi thu phí mà cũng lỗ chỏng gọng như thế? Trước Công ty TPXP, tình hình còn tồi tệ hơn khi tỷ lệ số tiền thu thực tế so với số lượng giám sát qua camera chỉ đạt 16% (tức thất thoát 84%) do nhiều nguyên nhân như giải pháp công nghệ bất cập, nhân viên bãi đỗ chỉ làm việc trong giờ hành chính, nhân viên thu phí “bắt tay” với khách bòn rút tiền gửi xe. Nghiêm trọng đến nỗi phải giao về cho công ty này để rồi tình hình cũng chẳng khả quan hơn bao nhiêu!

Một thời gian dài, nhiều ngành kinh doanh thuần túy chẳng vì an sinh xã hội cũng không do mục đích công cộng vẫn lỗ be bét. Đào tài nguyên bán lỗ, buôn bán mặt hàng thiết yếu âm vốn, cung cấp sản phẩm không thể thiếu thất thoát… Ban đầu họ cũng đưa ra đủ lý do để biện hộ hay che giấu nhưng cuối cùng cũng vì điều hành và người thực hiện hoặc sai sót hoặc vì lợi ích cá nhân. Đỗ xe lòng đường ở một thành phố lớn nhất nước như TP.HCM luôn có nhu cầu rất cao, chỉ vì không biết cách thu hoặc vì lý do “tế nhị” để “mất mát” nên lỗ đau đớn như thế.

Rồi như nhiều ngành nghề hay công ty khác, sẽ có chỉ đạo, chấn chỉnh và đổi mới. Nhưng tư duy “lợi nhà” hơn “ích nước” vẫn còn và ngự trị trong đầu óc nhiều vị quản lý thì không ai dám chắc sẽ chẳng còn “làm gì cũng lỗ” như việc thu phí đỗ xe trên. Một khi “lậu” hấp dẫn hơn lương và cơ chế kiểm soát không chặt, kỷ luật không nghiêm và xử lý không đến nơi thì sẽ còn lỗ tiếp, lỗ dài, lỗ triền miên…

 PHAN NGUYỄN 

Nên đọc