Theo Viện Năng suất Việt Nam (Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia), doanh nghiệp trong chuỗi cung cấp thực phẩm áp dụng và đạt chứng chỉ ISO 22000 được nhìn nhận là một đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.
ISO 22000 quy định yêu cầu chung đối với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HTQLATTP) giúp tổ chức/doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào chuỗi cung cấp thực phẩm trong việc: Lập kế hoạch, thực hiện, vận hành, duy trì và cập nhật HTQLATTP cung cấp các sản phẩm và dịch vụ an toàn phù hợp với mục đích sử dụng; Thể hiện sự phù hợp vớ các yêu cầu của pháp luật về an toàn thực phẩm; Đánh giá yêu cầu đã thỏa thuận với khách hàng về an toàn thực phẩm và thể hiện sự phù hợp với chúng; Thông tin có hiệu quả vấn đề về an toàn thực phẩm cho các bên quan tâm trong chuỗi thực phẩm;
Đảm bảo hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp phù hợp với chính sách về an toàn thực phẩm đã công bố; Thể hiện sự phù hợp với các bên quan tâm có liên quan; Đề nghị tổ chức bên ngoài chứng nhận HTQLATTP của mình hoặc tự đánh giá. tự công bố sự phù hợp với tiêu chuẩn này.
ISO 220002005 có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm.
Tiêu chuẩn ISO 22000 là một trong số các tiêu chuẩn của bộ tiêu chuẩn ISO 22000 trong đó bao gồm tiêu chuẩn sau: ISO 22000:2005 được ban hành vào ngày 01/09/2005 và được Việt Nam (Bộ Khoa học và công nghệ) chính thức chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 22000:2007 vào năm 2008. Các tiêu chuẩn khác trong bộ tiêu chuẩn ISO 22000 cũng đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia của Việt nam.
Tiêu chuẩn ISO 22000:2005 có thể áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm không phân biệt quy mô, bao gồm nhưng không giới hạn: Cơ sở sản xuất và chế biến thức ăn gia súc; Cơ sở chăn nuôi và trồng trọt; Cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm (rau, củ, quả, thịt trứng sữa, thủy hải sản…); Doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ uống: nước ngọt, nước tinh khiết, rượu, bia, Café, chè,..; Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gia vị; Các hãng vận chuyển thực phẩm; Doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ ăn sẵn, nhà hàng; Hệ thống siêu thị, bán buôn, bán lẻ thực phẩm;
Chuyên gia năng suất cho rằng, doanh nghiệp khi áp dụng cần xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Tiếp đến, thiết lập các quy trình để chuẩn hóa cách thức thực hiện, kiểm soát các quá trình trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Xây dựng hệ thống văn bản gồm chính sách, mục tiêu an toàn thực phẩm, các thủ tục về chương trình tiên quyết, kế hoạch HACCP, hướng dẫn, biểu mẫu,... đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn và yêu cầu của kiểm soát an toàn thực phẩm. Xác nhận lại trên dây chuyền sản xuất thực tế.
Theo đại diện Công ty cổ phần thực phẩm SANTA, nhờ áp dụng ISO 2000 giúp Công ty vươn tới sự hoàn thiện trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Với chứng nhận ISO 22000, sản phẩm của đơn vị đã được chấp nhận tại các chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, MM Mega Market.
Tại Công ty Nhựa Rạng Đông (Long An) - nhà máy bao bì nhựa hiện đại hàng đầu trong ngành bao bì nhựa tại Việt Nam - việc áp dụng ISO 22000 đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đại diện Công ty chia sẻ: “Việc tối ưu hóa quá trình sản xuất nhờ áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý đã giúp quá trình sản xuất được phân tích mối nguy, xác định rủi ro, cơ hội, các điểm kiểm soát tới hạn và đưa ra biện pháp kiểm soát thích hợp... dựa trên việc phân tích bối cảnh của tổ chức, nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm cũng như các quá trình quản lý, tạo sản phẩm.
Điều này góp phần đáng kể trong tiết giảm chi phí sản xuất, phòng ngừa sai lỗi hệ thống, giúp kiểm soát minh bạch quá trình sản xuất và dễ dàng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, sai lỗi được ngăn ngừa và tỷ lệ các lô hàng trả về giảm rõ rệt so với thời gian trước khi áp dụng ISO 22000:2018”.